Ngày 29/6/2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 1999 (BLHS), chính thức quy định tội danh Rửa tiền tại Điều 251 BLHS trên cơ sở sửa đổi tội danh Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm bao quát các hành vi rửa tiền được đề cập trong các Công ước quốc tế, tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm rửa tiền ở nước ta, đồng thời góp phần thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền [1]. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định về cấu thành tội phạm rửa tiền đã được sửa đổi, chúng tôi nhận thấy, còn tồn tại một số vấn đề tranh luận, đặc biệt là các yếu tố về chủ thể của tội phạm. Bài viết này tập trung phân tích các vấn đề có liên quan, để bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo. Nói một cách khái quát nhất, rửa tiền là hành vi xử lý - bằng các phương thức khác nhau - tiền, tài sản do phạm tội mà có nhằm che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của chúng, tạo ra một v...