Những quy định của pháp luật về chứng cứ


A. KHÁI NIỆM VỀ CHỨNG CỨ
Chứng cứ là những gì có thật để chứng minh cho một vấn đề, một sự việc nào đó.
Bản thân chứng cứ là có thật, nên sự xuất hiện, tồn tại, vận động của nó hoàn toàn tuân theo những quy luật khách quan, chứ tuyệt nhiên không tuân theo ý thức chủ quan của một người nào đó. Tuy nhiên, do tác động của con người, của tự nhiên, nên nhiều chứng cứ không còn được nguyên vẹn khi thu thập được. Có khi sự biến dạng của nó rất lớn, làm cho nhiều người không còn nhận biết trạng thái ban đầu của nó. Vì vậy, việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ như thế nào đó để đảm bảo đúng sự thật khách quan mà nó phản ánh là vấn đề rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải biết vận dụng tổng hợp các tri thức, thành tựu của nhiều ngành khoa học khác nhau mới có thể đạt được kết quả.
Bất kỳ một chứng cứ nào cũng đều phản ánh, chứng minh cho một vấn đề nào đó hay một sự khẳng định, phủ định, xác định nào đó. Một sự khẳng định, phủ định, xác định nào đó mà không có chứng cứ cụ thể sẽ không có căn cứ để tin cậy. Khi ta nói đến một vấn đề nào đó mà không có dẫn chứng, thì đó chỉ là những lời nói suông, trống rỗng, không có sức thuyết phục, có khi còn gây cho người nghe sự nghi ngờ.
Thí dụ; Khi nói đến tuổi của Nguyễn Văn B, chúng ta tổng hợp các tài liệu như giấy chứng sinh của trạm xá hay bệnh viện ghi nhận ngày, giờ sinh của Nguyễn Văn B; y bạ của mẹ anh B thể hiện quá trình khám, kiểm tra thai nghén, ngày giờ tới bệnh viện hay trạm xá để sinh con; ngày, giờ hai mẹ con ra viện; hồ sơ lý lịch của anh B; các giấy tờ tùy thân của anh B... Các giấy tờ, tài liệu này đều thể hiện anh B đã bước sang tuổi 17, nên ta khẳng định rằng anh B 17 tuổi. Các tài liệu, giấy tờ vừa nêu trên là chứng cứ để chứng minh anh Nguyễn Văn B 17 tuổi và cũng là căn cứ để phản bác mọi ý kiến cho rằng anh B không phải 17 tuổi.
Chứng cứ nào cũng có ý nghĩa, giá trị nhất định của nó. Trong quá trình hình thành, xuất hiện, tồn tại, nó phải chịu sự tác động của con người, tự nhiên và xã hội, nên nó cũng bị biến dạng đi, thậm chí không còn nữa. Do vậy, ý nghĩa, giá trị của chứng cứ mà ta thu được còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Cho nên, để chứng minh một vấn đề, chúng ta phải cần nhiều chứng cứ khác nhau, càng nhiều chứng cứ để chứng minh thì mức độ tin cậy càng cao.
Chứng cứ thì có rất nhiều, nhưng để chứng minh cho một vấn đề, một sự xác định thì chỉ có một số loại chứng cứ nào đó có ý nghĩa, giá trị chứng minh. Do vậy, chúng ta cần phải phân loại chứng cứ, nhằm xác định những chứng cứ phải thu thập để chứng minh vấn đề chúng ta quan tâm, tránh dàn trải không cần thiết.
Trong từng lĩnh vực có những vấn đề mang tính đặc thù, do vậy, để chứng minh cho những vấn đề ở từng lĩnh vực khác nhau cũng có những loại chứng cứ mang tính đặc thù. Để chứng minh cho một công thức toán học, chúng ta phải biết sử dụng các định lý, tiền đề đã có. Khi giải quyết một bài toán, nếu phải chứng minh cho một giả thiết thì chúng ta phải kết hợp sử dụng các định lý, tiền đề, công thức và các dữ kiện của bài toán đã cho. Để chứng minh cho một bản chất của xã hội tư bản thì chúng ta phải biết tổng hợp các biểu hiện, hiện tượng xảy ra hàng ngày trong xã hội đó...
Để xác định tình hình hoạt động kinh tế của một doanh nghiệp, chúng ta phải căn cứ vào kế hoạch công tác, diễn biến tài chính, sự ký kết, thực hiện các hợp đồng kinh tế, sổ sách kế toán, tài chính... của doanh nghiệp. Muốn biết tình hình cán bộ của một đơn vị, chúng ta cần các tài liệu thể hiện số cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, phân loại theo giới tính, dân tộc, đảng phái, độ tuổi, trình độ chuyên môn, trình độ chính trị từng loại cán bộ, sự tuyển chọn, đề bạt hay bổ nhiệm, sự biến động cán bộ v.v...
Trong lĩnh vực công tác thanh tra có đặc thù là phải xác định bằng được sự thật khách quan ở đơn vị cụ thể. Có khi chỉ là sự thật khách quan về hoạt động kinh tế, về chính sách cán bộ, bảo vệ môi trường, sinh đẻ có kế hoạch... Trên cơ sở thực tế khách quan được xác định, đối chiếu với các quy định của pháp luật để rút ra những nhận xét, đánh giá sai hay đúng, xấu hay tốt... và những kiến nghị, đề xuất. Trong các nhiệm vụ này thì nhiệm vụ xác định sự thật khách quan là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất và có tính quyết định nhất. Việc xác định đúng sự thật khách quan là căn cứ, điều kiện để có sự đối chiếu, đánh giá chính xác và đề xuất có giá trị.
B. CHỨNG CỨ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
I. VÀI NÉT CHUNG VỀ CHỨNG CỨ HÌNH SỰ
Ở mỗi lĩnh vực, mỗi ngành có những vấn đề cần phải chứng minh khác nhau và có những đặc điểm, đặc trưng khác nhau. Nhưng dù ở lĩnh vực nào, ngành nào thì việc xác định sự thật khách quan cũng là yêu cầu quan trọng nhất. Đoàn thanh tra phải xác định sự thật khách quan mà nhiệm vụ của đoàn đặt ra. Trong công tác hình sự thì phải xác định đúng sự thật của hành vi cụ thể. Nhà nước đã có một số quy định điều chỉnh về công tác chứng cứ trong hình sự.
Tại Thông tư 009/NCPL ngày 2/10/1962 của Tòa án nhân dân tối cao xác định: “... để đảm bảo yêu cầu xét xử chính xác và đúng pháp luật, các đồng chí Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ càng, kiểm tra hồ sơ... nội dung hồ sơ phản ánh sự việc... Hồ sơ phải có đầy đủ tài liệu, chứng cứ nói lên sự thực về tội phạm mà bị cáo bị truy tố và soi sáng mọi tình tiết của tội phạm. Nói một cách cụ thể, nội dung hồ sơ phải soi sáng những điểm chính sau đây:
1. Hành vi tội phạm mà bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự có hay không xảy ra.
2. Hành vi ấy có đúng do bị cáo gây ra không?
3. Đã có đầy đủ những yếu tố về phương diện khách quan của tội phạm chưa? (thời gian, địa điểm, hành vi phạm tội và kết quả của tội phạm).
4. Đã đầy đủ những yếu tố về phương diện chủ quan của tội phạm chưa? (ý thức, động cơ, mục đích).
5. Có tình tiết gì làm tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm của bị cáo không?
6. Nhân thân của bị cáo.
...
Mỗi điểm cần được soi sáng bằng những tài liệu, chứng cứ tập hợp trong hồ sơ. Soi sáng một cách thực sự khách quan về cả hai mặt, mặt khả năng có tội cũng như mặt khả năng không có tội, tình tiết tăng nặng cũng như tình tiết giảm nhẹ, không thiên lệch về mặt nào...”.
Muốn có hồ sơ vụ án với đầy đủ tài liệu, chứng cứ, mọi tình tiết của tội phạm thì cơ quan Điều tra phải thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ soi sáng mọi tình tiết đã nêu. Trong Pháp lệnh điều tra án hình sự cũng quy định trách nhiệm của Điều tra viên, cơ quan Điều tra phải thu thập các tài liệu, chứng cứ của vụ án. Tại Điều 47 Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên của nước ta quy định những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự như sau: “Khi điều tra, truy tố và xét xử hình sự, cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh.
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích hoặc động cơ phạm tội;
3. Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, trách nhiệm của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân bị can, bi cáo;
4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.”
Pháp luật có quy định về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự và cũng chỉ rõ vấn đề đầu tiên là xác định đúng sự thật khách quan của hành vi, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo.
Phạm vi của thanh tra không chỉ gói gọn trong vụ án hình sự, mà rộng hơn rất nhiều, bao gồm cả thanh tra về công tác lao động, hành chính, tiền lương, chính sách, chế độ xã hội, thi đua, khen thưởng... Thanh tra để xác định một sự thật đúng, sai, tốt hay xấu và mức độ đến đâu. Bởi vậy, pháp luật chưa có được quy định về những vấn đề phải chứng minh trong công tác thanh tra nói chung như trong các vụ án hình sự. Nếu thanh tra cụ thể thì ta có thể tự đặt ra cho Đoàn thanh tra những vấn đề phải chứng minh cụ thể. Nhưng trong công tác thanh tra và công tác hình sự đều có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xác định cho đúng thực tế khách quan của sự việc. Thực tế khách quan này xảy ra ở đâu, thời gian nào, do ai thực hiện hay gây ra. Chỉ trên cơ sở đó và căn cứ vào các quy định của Nhà nước, chúng ta mới tiếp tục làm các nhiệm vụ tiếp theo thuộc chức năng của Thanh tra hoặc của cơ quan Điều tra.
II. THU THẬP CHỨNG CỨ
Để xác định được thực tế khách quan, bằng mọi phương pháp, chúng ta phải thu được chứng cứ. Bản thân chứng cứ là những gì có thật, nó xuất hiện, tồn tại và vận động theo quy luật khách quan. Nhưng thực tế lại có những chứng cứ phải do con người nào đó chủ định tạo ra để đánh lừa người khác, hoặc thực tế còn có sự lầm tưởng chứng cứ của sự việc này là chứng cứ của sự việc khác. Thí dụ: Nguyễn Văn A giả chữ ký của Nguyễn Văn B để lĩnh tiền ở quỹ. Trường hợp này Nguyễn Văn A đã cố ý tự tạo chứng cứ giả để chứng minh Nguyễn Văn B lĩnh tiền. Thí dụ khác: Nguyễn Thị Mai dùng chứng minh thư của Trần Thị Hòa để đặt ở cửa hàng thuê xe đạp rồi trốn luôn, chủ cửa hàng mang chứng minh thư của khách hàng đến trình báo với cơ quan Công an, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã truy tố và xét xử Trần Thị Hòa về tội lửa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân. Trường hợp này, Trần Thị Hòa bị truy tố xét xử là do sự lầm tưởng về chứng cứ, sai lầm về việc xác định căn cước của bị cáo. Do vậy mà việc thu thập các chứng cứ (đúng với nghĩa của nó) cũng rất khó khăn và phức tạp, nhiều khi không thu thập được đầy đủ chứng cứ cần thiết để kết luận. Đây là một nguyên nhân quan trọng của tình trạng còn nhiều vụ án chưa được khám phá.
Trong Bộ luật tố tụng hình sự quy định tương đối chặt chẽ về trình tự thu thập chứng cứ và chỉ chứng cứ nào được thu thập theo đúng trình tự quy định mới được coi là có ý nghĩa, có giá trị quan trọng và có tính quyết định. Tại Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “... cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của bộ luật này, yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp tài liệu, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án...”. Nhưng đồng thời cũng quy định: “... những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.”.
Trong quá trình thu thập chứng cứ, cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án mà cụ thể là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán phải tuân theo những quy định riêng cho từng người tiến hành tố tụng và ở từng giai đoạn tố tụng khác nhau.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, cơ quan Điều tra được thành lập ở một số ngành khác nhau, chịu sự quản lý, lãnh đạo của các ngành khác nhau, đó là cơ quan Điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan Điều tra của lực lượng Cảnh sát nhân dân, lực lượng An ninh nhân dân. Cơ quan Điều tra của ngành nào cũng phải tuân theo những quy định riêng Bộ luật tố tụng hình sự về điều tra.
Từng động tác thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra đều quy định cụ thể như các quy định về khám người, chỗ ở, địa điểm, đồ vật, thư tín, bưu kiện, bưu phẩm (các Điều 115, 116, 117, 118 và 119) về tạm giữ tài liệu, đồ vật (vật chứng); về kê biên tài sản; về việc lấy lời khai người bị hại, người làm chứng, bị can (các Điều 107, 111 và 112)...
Vậy tại sao cần phải có sự quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt trong bộ luật?
Chứng cứ là những gì có thật mà sự xuất hiện, tồn tại và vận động của nó đều theo các quy luật khách quan. Bởi vậy, các phương pháp, biện pháp thu thập chứng cứ cũng phải thật khách quan để thu thập được chứng cứ, đúng với những gì mà nó có và nó thể hiện; nếu nó đã trải qua một quá trình vận động và biến đổi thì phải biết chính xác nó đã vận động, biến đổi như thế nào.
Chứng cứ tồn tại, vận động, biến mất, xuất hiện đều theo quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bất kỳ ai. Tuy nhiên, mỗi một người đều có ý thức chủ quan của mình, mọi việc làm, hành động của một người đều bị chi phối bởi ý thức chủ quan của họ để đạt được mục đích, ý nguyện do họ tự định ra. Có người tạo chứng cứ giả hoặc sửa chữa, làm biến dạng chứng cứ thật theo ý muốn của họ... Bởi vậy, trong quá trình thu thập chứng cứ, cần phải có biện pháp bảo vệ chứng cứ thật, càng đúng với trạng thái sơ khai bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Thí dụ: Trong các vụ án kinh tế, chúng ta thường gặp hiện tượng làm hóa đơn, chứng từ giả, không đúng sự thật hoặc sửa chữa nó... Đây là việc làm của bị can, bị cáo, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm hợp pháp hóa những việc làm sai trái. Nếu trong quá trình thu thập chứng cứ, các cơ quan Điều tra không tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật thì sẽ không thu được chứng cứ thật, mà chỉ thu được những tài liệu giả, không phản ánh đúng sự thật khách quan.
Mỗi chứng cứ đều có một giá trị pháp lý, ý nghĩa nhất định trong việc xác định sự thật. Nguồn chứng cứ, cách thu thập chứng cứ là cơ sở đánh giá chứng cứ. Chỉ có những chứng cứ được thu thập theo những quy định của pháp luật mới đảm bảo độ tin cậy, chính xác, tạo điều kiện cho việc đánh giá chứng cứ được đúng đắn.
Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn quá trình điều tra, phá án của các cơ quan Điều tra, tiếp thu kinh nghiệm của các cơ quan Điều tra các nước có quan hệ với chúng ta, đồng thời tổng hợp thành tựu của các ngành khoa học đang phát triển, chúng ta mới xây dựng được những quy định hiện có về thu thập chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự. Đặc biệt các thông tư hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về lĩnh vực này trong những năm 60 đến 80 là những cơ sở rất quý giá để tổng kết, xây dựng thành những quy định về thu thập chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự.
III. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THU THẬP CHỨNG CỨ
Các cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể lấy lời khai của người làm chứng để làm chứng cứ.
Người làm chứng là người biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án. Trong một vụ án có thể có nhiều nhân chứng, cũng có thể chỉ có một nhân chứng, thậm chí có khi không có nhân chứng. Những vụ án có ít nhân chứng hoặc không có nhân chứng thường là những vụ án phức tạp, điều ra rất khó khăn. Thí dụ: Một bệnh nhân bị hôn mê sâu suốt 12 năm, đã bị làm nhục, có thai và sinh con, không ai biết được diễn biến của vụ án ra sao, ai đã làm nhục bệnh nhân; chỉ khi bệnh nhân mang thai đến tháng thứ tư thì bác sỹ và gia đình mới biết là bệnh nhân bị làm nhục; các cơ quan Điều tra đều không xác định được thủ phạm là ai.
Có nhân chứng biết nhiều tình tiết quan trọng của vụ án, có nhân chứng chỉ biết một hay hai tình tiết. Có nhân chứng trực tiếp nhìn thấy, quan sát được diễn biến của sự việc; có nhân chứng không trực tiếp nhìn thấy, không quan sát diễn biến sự việc, nhưng được người khác kể lại, nói lại hoặc có thể chỉ biết một vài tình tiết có liên quan. Bởi vậy, trong từng vụ án cụ thể, chúng ta phải xác định được những ai là nhân chứng, từng loại nhân chứng và phải hết sức chú ý tới các nhân chứng đặc biệt, nhân chứng quan trọng, nhân chứng không thể thiếu trong vụ án...
Tùy từng vụ án cụ thể, điều kiện và hoàn cảnh của nhân chứng, ý nghĩa, vai trò làm chứng của họ trong vụ án mà cơ quan, những người tiến hành tố tụng quyết định việc lấy lời khai của nhân chứng như thế nào cho phù hợp, đảm bảo khách quan và đạt kết quả tốt. Thông thường, các nhân chứng được triệu tập tới trụ sở của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc phiên tòa công khai để khai báo. Trong các trường hợp đặc biệt thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể lấy lời khai của nhân chứng ở địa điểm khác nhau như ở trụ sở cơ quan khác, ở nơi làm việc hoặc nơi ở của nhân chứng, ở bệnh viện...
Người làm chứng phải có nghĩa vụ tuân theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng, khai báo đúng sự thật. Nếu họ không thực hiện đúng các nghĩa vụ này mà không có lý do chính đáng thì tùy mức độ mà xử lý thỏa đáng theo quy định của pháp luật như bị dẫn giải hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối khai báo, hoặc tội cung cấp tài liệu sai sự thật, hay tội khai báo gian dối.
Lời khai của người làm chứng phải được ghi chép đầy đủ, tỷ mỷ và trung thực bằng văn bản, ghi rõ cả địa điểm, thời gian, người lấy lời khai, người ghi lời khai. Văn bản này phải được đọc lại cho người khai nghe, người khai có quyền đọc lại toàn bộ và yêu cầu sửa chữa, bổ sung; sau đó mọi người có mặt đều phải ký xác nhận. Thông thường, lời khai của nhân chứng được ghi ở biên bản ghi lời khai, hay biên bản làm việc và ở bút ký phiên tòa v.v...
Các cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người bị hại.
Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần và về tài sản do tội phạm gây ra.
Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu, được thông báo về kết quả điều tra, đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; có quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên tòa; khiếu nại quyết định của cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án v.v...
Người bị hại có thể trình bày ý nguyện của mình bằng văn bản hoặc bằng miệng để các cơ quan tiến hành tố tụng ghi lại.
Một số nguyên tắc áp dụng khi lấy lời khai của người bị hại cũng như nguyên tắc áp dụng khi lấy lời khai của người làm chứng là cần chú ý khi lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại mà người này là người chưa thành viên, hoặc bị hạn chế về tâm thần thì cần phải có đại diện người giám hộ hoặc luật sư bảo vệ quyền lợi của họ tham gia.
Lấy lời khai của người bị tạm giữ:
Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm pháp quả tang và đối với họ đã có quyết định tạm giữ, nhưng chưa bị khởi tố.
Người bị tạm giữ có quyền biết lý do mình bị tạm giữ; được giải thích quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai; đưa ra những yêu cầu; khiếu nại về việc tạm giữ và những quyết định khác có liên quan. Người tạm giữ trình bày về những tình tiết liên quan đến việc họ bị tạm giữ, bị nghi thực hiện tội phạm.
Người bị tạm giữ có thể trình bày bằng văn bản hoặc bằng miệng để cơ quan Công an ghi lại.
Lấy lời khai của bị can, bị cáo:
Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự. Quyết định khỏi tố vụ án hình sự phải ghi rõ cơ quan khởi tố, thời gian, căn cứ khởi tố và điều khoản của Bộ luật hình sự áp dụng.
Bị can có quyền biết mình bị khởi tố về tội gì; đưa ra những chứng cứ và những yêu cầu; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Bị can được giao nhận bản sao quyết định khỏi tố, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; được giao nhận bản kết luận điều tra sau khi kết thúc điều tra, bản cáo trạng sau khi Viện kiểm sát quyết định truy tố; có quyền khiếu nại các quyết định của cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát.
Bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Bị cáo được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; được tham gia phiên tòa; được đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; đưa ra những chứng cứ và yêu cầu; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; nói lời sau cùng trước khi nghị án; được kháng cáo bản án và quyết định của Tòa án.
Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án và được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi lại thành văn bản theo đúng quy định của pháp luật.
Việc hỏi cung bị can phải do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung, Điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho họ biết rõ quyền và nghĩa vụ. Nếu vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Không hỏi cung vào ban đêm, trừ trường hợp không trì hoãn được, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Điều tra viên hoặc bất kỳ ai hướng cung, bức cung hoặc dùng nhục hình đối với bị can sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; tùy theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về đối chất:
Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất.
Nếu người làm chứng hoặc bị hại tham gia đối chất thì trước tiên Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải được ghi vào biên bản.
Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó mới hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Khi đã nghe những lời khai trong đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.
Điều tra viên cũng có thể cho người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau, trả lời và đối đáp. Những câu hỏi, câu trả lời của những người này phải được ghi trong biên bản đối chất. Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong, Điều tra viên mới nhắc lại lời khai trước của họ có mâu thuẫn để nghe họ giải thích vì sao có sự mâu thuẫn đó.
Về nhận dạng:
Khi cần thiết, Điều tra viên có thể mời người hoặc đưa vật, ảnh cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can nhận dạng.
Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.
Số người, vật hoặc ảnh đưa ra để nhận dạng ít nhất là ba và bề ngoài phải tương tự giống nhau. Nhưng đối với nhận dạng tử thi thì không áp dụng nguyên tắc này.
Trong trường hợp đặc biệt có thể xác nhận người qua tiếng nói hay còn gọi là giọng nói của người cần xác minh.
Nếu nhân chứng hay người bị hại là người nhận dạng, thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc giải thích này phải được ghi vào biên bản.
Trong khi tiến hành nhận dạng, Điều  tra viên không được đặt câu hỏi có tính gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác định một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm, vết tích gì để xác nhận người, vật hay ảnh đó.
Việc tiến hành nhận dạng phải có mặt người chứng kiến. Số người, vật, ảnh đưa ra nhận dạng càng nhiều càng chính xác. Phải tạo điều kiện để người nhận dạng xác định chính xác. Biên bản nhận dạng phải thi gheo quy định chung, chú ý cần ghi rõ nhân thân người nhận dạng; những đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng.
Về giám định:
Bắt buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;
b) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;
c) Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án.
Khi thấy cần thiết thì thủ trưởng cơ quan Điều tra đưa ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ yêu cầu giám định vấn đề gì, họ tên người được trưng cầu hoặc tên người tiến hành giám định, ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định.
Việc tiến hành giám định được thực hiện tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án, ngay sau khi có quyết định trưng cầu giám định.
Điều tra viên có quyền tham dự giám định, nhưng phải báo cáo cho người tiến hành giám định biết. Nội dung kết luận của giám định phải ghi rõ những dấu vết, đồ vật, tài liệu và tất cả những gì đã được giám định, những phương pháp được áp dụng và giải đáp những vấn đề đã được đặt ra có căn cứ cụ thể.
Để làm sáng tỏ hoặc bổ sung nội dung kết luận giám định, cơ quan tiến hành tố tụng có thể hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết và có thể quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Người giám định kết luận về vấn đề được yêu cầu giám định và phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận đó. Nếu việc giám định do một nhóm người giám định tiến hành thì tất cả các thành viên đều ký vào bản kết luận chung. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi riêng ý kiến kết luận của mình.
Bị can có quyền yêu cầu được thông báo về nội dung kết luận giám định; được trình bày những ý kiến của mình về kết luận giám định; yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Về vật chứng:
Vật chứng là những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu hiệu tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.
Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và được đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh để đưa vào hồ sơ vụ án và vật chứng được niêm phong bảo quản.
Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng. Hồ sơ vụ án ở cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm bảo quản vật chứng. Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Ngân hàng hoặc tại các cơ quan chuyên trách khác.
Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường; trong trường hợp hủy hoặc cố ý làm hư hỏng vật chứng nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải bị xử lý theo pháp luật, tùy mức độ sai phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc xử lý vật chứng do Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án cùng cấp hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quy định xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản. Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ án khi hồ sơ chưa được chuyển sang Tòa án thì vật chứng đã được cơ quan Điều tra hoặcViện kiểm sát xử lý, nên Tòa án gặp nhiều khó khăn khi xét xử, thậm chí không xét xử được hoặc bị kéo dài.
Thông thường, vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung công quỹ Nhà nước;
b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa hoặc sở hữu của người khác bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung công quỹ Nhà nước;
c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước;
d) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có quyền quyết định trả lại những vật chứng thuộc sở hữu hợp pháp của người khác bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng làm công cụ phạm tội cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng tới việc xử lý vụ án.
IV. MỘT SỐ BIỆN PHÁP NGHIỆP VỤ VỀ THU THẬP CHỨNG CỨ
Để tiến hành thu thập chứng cứ một cách nhanh, đảm bảo tính khách quan, chính xác và hạn chế những việc làm sai lệch, tạo chứng cứ giả v.v..., trong Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh điều tra vụ án hình sự đã quy định một số biện pháp cần thiết như: áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra, giám định.
Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có chứng cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội cũng như khi cần đảm bảo thi hành án thì cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn sau: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cứ trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị bảo đảm...
Chỉ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp; Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên chủ tọa phiên tòa; Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Điều tra cấp tỉnh trở lên... có quyền ra lệnh bắt người. Trong lệnh bắt phải ghi rõ ngày ra lệnh; họ tên, chức vụ người ra lệnh; phải có chữ ký và đóng dấu của cơ quan người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bị bắt.
Người thi hành lệnh bắt phải đọc, giải thích lệnh và lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú hoặc làm việc và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Không bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc bắt người phạm tội quả tang. Những trường hợp bắt người khẩn cấp là:
a) Có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm nghiêm trọng;
b) Khi người bị bắt hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi có dấu vết của tội phạm ở người hạơc tại chỗ ở của người bị nghi là thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Những người có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp là:
Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp huyện; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan Điều tra cấp tỉnh trở lên v.v...
Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản để xét và phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì phải trả lại tự do ngay cho người bị bắt.
Người thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bi đuổi bắt cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt, giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hay Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập ngay biên bản và giải người bị bắt đến cơ quan Điều tra có thẩm quyền.
Tạm giữ có thể được áp dụng đối với người bị bắt khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang. Người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, đồng thời cũng có quyền ra lệnh tạm giữ. Trong thời hạn 24 giờ, lệnh tạm giữ phải được gửi tới Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ là không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ lệnh tạm giữ và trả lại tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày kể từ khi cơ quan Điều tra nhận người bị bắt. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan ra lệnh bắt tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ không quá 3 ngày. Trường hợp đặc biệt, cơ quan ra lệnh tạm giữ có thể gia hạn lần thứ hai, nhưng cũng không quá 3 ngày. Mọi người hợp gia hạn tạm giữ đều cần phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp.
Tạm giam có thể được áp dụng đối với các bị can, bị áo phạm tội trong những trường hợp nghiêm trọng, hoặc phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định phạt tù trên 1 năm và có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, tuy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc dang thời kỳ nuôi con dưới 12 tháng; là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng, trừ trường hợp đặc biệt thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Cơ quan ra lệnh tạm giam phải thông báo ngay cho gia đình người bị tam giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết.
Thời hạn tạm giam để điều tra không quá 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội nghiêm trọng. Trong trường hợp cần thiết, có thời gian dài hơn để điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trở lên có thể gia hạn, nhưng cũng không được quá 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng và không quá 4 tháng đối với tội nghiêm trọng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm 4 tháng nữa đối với tội nghiêm trọng. Trường hợp cần thiết, đối với tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm.
Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giam thì có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn khác.
Cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong các biện pháp ngăn chặn quan trọng. Bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú, mà phải có mặt đúng yêu cầu của cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu cần đi khỏi nơi cư trú phải xin phép và được sự đồng ý của cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Nếu vi phạm các quy định về cấm đi khỏi nơi cư trú thì bị can, bị cáo có thể phải chịu biện pháp ngăn chặn khác nghiêm khắc hơn.
Bảo lãnh là việc cá nhân hay tổ chức cam đoan, nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo không tiếp tục phạm tội và phải có mặt theo đúng giấy triệu tập của cơ quan bảo vệ pháp luật. Cá nhân hay tổ chức nhận bảo lãnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc bảo lãnh. Trường hợp cá nhân bảo lãnh bị cáo, bị cáo là người nước ngoài có thể đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo cho sự có mặt theo giấy triệu tập nếu được cơ quan Điều tra hay Viện kiểm sát hoặc Tòa án đồng ý bằng văn bản có ghi số lượng tiền, tài sản và giá trị tài sản. Nếu bị can, bị cáo vi phạm sự đảm bảo thì số tiền, tài sản đã đặt sẽ bị sung công quỹ nhà nước.
Việc khám người, chỗ ở, địa điểm được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong người, chỗ ở, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc có liên quan đến vụ án. Việc khám chỗ ở, địa điểm cũng có thể được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã. Khi cần thu thập những tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.
Những người có quyền ra lệnh bắt người, đồng thời cũng có quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của cơ quan Điều tra phải được sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành. Trường hợp không thể trì hoãn được, cơ quan Điều tra có thể ra lệnh khám xét, nhưng sau khi khám xét, trong thời hạn 24 giờ, người ra lệnh khám xét phải báo cáo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Khi khám người phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh đó; phải giải thích cho đương sự và những người có mặt ở đó biệt quyền và nghĩa vụ của họ. Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám. Nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến. Có thể khám người không cần lệnh trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang.
Khi khám chỗ ở, địa điểm phải cómặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền địa phương và người láng giềng chứng kiến; trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn được thì phải có đại diện chính quyền và 2 người láng giềng chứng kiến. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp đặc biệt nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Khi khám chỗ làm việc phải có mặt đương sự và đại diện cơ quan hoặc tổ chức (cơ quan chủ quản) chứng kiến.
Trong khi tiến hành khám chỗ ở, địa điểm, những người có mặt tại chỗ không được tự ý đi nơi khác, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với người khác.
Khi cần thiết thì cơ quan Điều tra có thể ra lệnh thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm. Lệnh này cần phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; trường hợp đặc biệt, không yêu cầu phải có sự phê chuẩn, nhưng sau khi thi hành phải báo cáo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan biết trước khi thu giữ. Người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan phải giúp đỡ người thi hành lệnh hoàn thành nhiệm vụ. Người đại diện cơ quan bưu điện chứng nhận, ký xác nhận biên bản. Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị giữ biết.
Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án và tiến hành các thủ tục cần thiết, đồng thời phải lập biên bản về việc tạm giữ đồ vật, tài liệu.
Kê biên tài sản áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Những người có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo, đồng thời cũng có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên tài sản của cơ quan Điều tra, Công an phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Chỉ kê biên tài sản tương ứng với mức có thể tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường.
Tải sản kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc nhân thân của họ bảo quản. Người được giao bảo quản tài sản kê biên nếu có hành vi chuyển nhượng, đánh tháo, cất giấu, hủy hoại tài sản này thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tùy theo mức độ sai phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm về niêm phong, kê biên tài sản”. Người bảo quản tài sản kê biên có trách nhiệm như người bảo quản tài liệu, đồ vật, điện tín, bưu kiện... bị thu giữ.
Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt đương sự hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện chính quyền cơ sở và người láng giềng chứng kiến. Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên, loại, tình trạng, số lượng, chất lượng tài sản kê biên và đọc cho mọi người cùng nghe để ký tên. Những khiếu nại của đương sự được ghi đầy đủ vào biên bản.
Khi xét thấy việc kê biên không còn cần thiết nữa thì người có thẩm quyền ra lệnh kê biên phải xem xét, kịp thời quyết định hủy bỏ lệnh kê biên.
Đặc biệt trong Bộ luật tố tụng hình sự còn quy định trách nhiệm của người ra lệnh và thi hành lệnh khám xét, kê biên tài sản, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật; nếu trái phép luật thì tùy trường hợp cụ thể mà bị xử lý, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan Điều tra tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án.
Khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên phải báo cho Viện kiểm sát cùng cáp biết. Khi khám nghiệm phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự khám nghiệm.
Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, tài liệu có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường.
Trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật, tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.
Khi khám nghiệm tử thi phải được tiến hành ngay sau khi phát hiện tử thi; phải có bác sỹ tham gia và có người làm chứng. Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của cơ quan Điều tra, phải thông báo cho gia đình nạn nhân và phải có bác sỹ pháp y tham gia. Trường hợp cần thiết, có thể triệu tập người giám định. Trong mọi trường hợp, việc khám nghiệm phải được báo trước cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Xem xét dấu vết trên thân thể: Điều tra viên tiến hành xem xét thân thể người bị bắt, bi tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng để phát hiện dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Trường hợp cần thiết thì trưng cầu giám định pháp y. Việc xem xét thân thể phảido người cùng giới tiến hành và phải có mặt người cùng giới chứng kiến; nếu cần thiết thì có thể có bác sỹ tham gia. Tuyệt đối không được xâm phạm đến nhân phẩm hoặc sức khỏe của người bi xem xét thân thể.
Thực nghiệm điều tra: Để kiểm tra, xác minh mức độ chính xác của các tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, cơ quan Điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Có thể đo đạc, chụp ảnh, vẽ sơ đồ diễn biến thực nghiệm. Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, phải có người làm chứng. Trường hợp cần thiết có thể cho người bị tạm giữ, bị can, người bị hại tham gia. Trong mọi trường hợp phải tuyệt đối đảm bảo nhân phẩm, danh dự, sức khỏe của người tham gia thực nghiệm điều tra.
Khi tiến hành các hoạt động tố tụng, bắt buộc phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất. Trong biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, những người tiến hành, tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động tố tụng, những khiếu nại, yêu cầu và đề nghị của họ.
V. MỘT SỐ ĐIỂM ĐÁNH GIÁ CHỨNG CỨ
Đánh giá chứng cứ là quá trình phân tích, tổng hợp toàn bộ các chứng cứ thu thập được, không bỏ qua bất kỳ một chứng cứ nào. Chứng cứ giả, chứng cứ thật, chứng cứ còn nguyên trạng thái sơ khai, chứng cứ đã bị biến dạng hay bị thêm, bớt... đã thu thập được đều phải được xem xét, phân tích để xác định ý nghĩa, giá trị của nó.
Đánh giá chứng cứ là nhiệm vụ của cơ quan, người tiến hành tố tụng. Chỉ trên cơ sở đánh giá toàn bộ các chứng cứ đã thu thập được, người và cơ quan tiến hành tố tụng mới có căn cứ, cơ sở để quyết định các hoạt động tố tụng tiếp theo. Người tham gia tố tụng cũng có quyền đánh giá những chứng cứ mà họ biết để đưa ra những yêu cầu, đề nghị hoặc khiếu nại.
Để đánh giá chứng cứ được đúng đắn, chính xác cần tiến hành một số việc cần thiết như sau:
a) Phải phân biệt thật chính xác các chứng cứ thu thập được. Chứng cứ nào là thật, chứng cứ nào là giả. Nếu là chứng cứ giả thì toàn bộ, hay giả một phần và chứng cứ thật phải là thế nào?
Chứng cứ giả là vật, tài liệu do người nào đó cố tình tìm kiếm, tạo dựng nhằm xóa dấu vết, làm sai lệch chứng cứ thật. Chứng cứ giả cũng là vật, tài liệu có thật nên rất khó phân biệt và dễ nhầm lẫn với chứng cứ thật. Bởi vậy, sự phân biệt này hết sức khó khăn, nhiều khi phải dựa vào các tri thức khoa học, các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Trong mọi trường hợp, sự phân biệt này chỉ có được quan sát, nghiên cứu tỷ mỷ, tinh tường, kết hợp với kinh nghiệm nghiệp vụ.
Nhiều vụ án có hiện trường giả giống đến mức không ai dám nói là giả mà chỉ đưa ra những nghi vấn mà thôi. Những vụ án mà cơ quan Điều tra không thể có kết luận điều tra, hoặc Viện kiểm sát không khởi tố được, hoặc Tòa án đã xét xử nhiều lần mà vẫn chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, hoặc đã có bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng không thể yên tâm mà thi hành... thường là các vụ án có chứng cứ giả, chứng cứ thật lẫn lộn mà chúng ta chưa phân biệt được, còn nhiều nghi vấn chưa xác định.
b) Cùng với sự phân biệt thật và giả, chúng ta phải có sự phân loại chứng cứ nào là xác định, khẳng định; chứng cứ nào là phủ định cho một tình tiết hay nhiều tình tiết của vụ án. Trên cơ sở này mới có thể tổng hợp các chứng cứ gỡ tội, chứng cứ buộc tội. Thí dụ: Khi đã xác định Nguyễn Văn A có hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Bộ luật hình sự, nhưng có các tài liệu thể hiện rằng Nguyễn Văn A chưa đến 14 tuổi và cũng có các tài liệu chứng minh Nguyễn Văn A đã hơn 14 tuổi. Trong trường hợp này, chúng ta phải tập hợp tất cả những tài liệu chứng minh Nguyễn Văn A chưa tới 14 tuổi thành một loại và những tài liệu chứng minh Nguyễn Văn A hơn 14 tuổi thành một loại, trên cơ sở đó mới có thể tiếp tục phân tích và đánh giá chứng cứ để xác định Nguyễn Văn A đã đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự hay chưa.
Một thực tế ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xảy ra nhiều trường hợp đua xe máy trái phép trong thời gian qua là những người chưa thành niên, việc xác định tuổi của họ là rất quan trọng để kết luận ai phải chịu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng...
c) Phải xác định cho được nguồn gốc của đồ vật, tài liệu đã thu thập được. Các đồ vật, tài liệu này do ai thu thập, ai cung cấp, trong trường hợp nào, vì sao lại cung cấp cũng như vì sao lại thu thập... Các đồ vật, tài liệu này có từ đâu, từ bao giờ... Đây là những chi tiết rất quan trọng để chúng ta phân biệt chứng cứ, phân loại chứng cứ đã thu thập được. Thí dụ: ở 2 vụ án, cơ quan Điều tra đã thu thập được 0,5kg thuốc phiện. Trong vụ án thứ nhất, cơ quan Điều tra khám nhà bị can thu giữ được trong tủ của bị can 0,5kg thuốc phiện; trong vụ án thứ hai thì đội tuần tra bảo vệ an ninh trong khi làm nhiệm vụ tuần tra đã nhặt được 0,5kg thuốc phiện. Trên cơ sở xác định người thu thập, nguồn gốc, điều kiện thu thập 0,5kg thuốc phiện, trong vụ án thứ nhất chúng ta đã có thể khẳng định 0,5kg thuốc phiện thu được là chứng cứ thật trong vụ án này và bị can không thể tránh khỏi trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ ma tuý; trong vụ án thứ hai thì phải tổng hợp với nhiều tài liệu, chứng cứ khác mới có thể xác định được 0,5 kg thuốc phiện thu được là chứng cứ giả (nếu có) trong vụ án nào, là chứng cứ thật trong vụ án nào v.v...
Thí dụ khác: Nạn nhân trong một vụ án, trước khi chết có một vài lời sinh cung mà bác sỹ, y tá, hộ lý nghe được và kể lại cho cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Những lời sinh cung này thường được đánh giá có mức độ tin cậy rất cao. Ngược lại, trường hợp nạn nhân bị gãy tay trong một vụ tai nạn giao thông, nhưng có nhiều lời khai khác nhau trong các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau thì tùy mức độ tin cậy đối với lời khai của nạn nhân này được đánh giá là rất thấp, thậm chí không thể tin được. Hiện nay có nhiều vụ án tai nạn giao thông, nạn nhân khai là mất tiền, tài sản... là những vụ án rất khó xác định thực, hư./.

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Security] Internet blackout scheduled in protest of SOPA