[NLD] Email - Chứng cứ điện tử trong xét xử ở Mỹ



Trong nhiều năm qua, e-mail chỉ mới được xem là một phương tiện liên lạc. Tuy nhiên, gần đây, e-mail còn trở thành một loại chứng cứ pháp lý quan trọng trong các vụ kiện tụng tại một số công ty lớn ở Mỹ. Hàng loạt vụ kiện tụng đó có thể kể đến như vụ của các công ty Merrill Lynch, Enron, Arthur Andersen, Credit Suisse First Boston v.v...
Do không thận trọng khi sử dụng e-mail, nhân viên của những công ty này đã để lại “manh mối” cho cơ quan điều tra, làm cho bí mật thương nghiệp phi pháp của công ty họ bị vạch trần. Nổi cộm và điển hình nhất là vụ kiện Merrill Lynch, một trong những công ty quản lý và tư vấn tài chính lớn nhất thế giới. Công ty này bị kiện ra một tòa án ở New York vì tội lừa dối người đầu tư bằng cách nâng “ảo” giá trị một số loại cổ phiếu nhằm mục đích gia tăng mức đầu tư kinh doanh. Một trong những chứng cứ quan trọng được đưa ra là e-mail từ một chuyên gia phân tích của hãng Merrill Lynch gởi cho một đồng nghiệp. Nội dung bức thư cho biết, cổ phiếu Infospace chẳng mấy giá trị. Trong khi đó, trên thị trường giá trị loại cổ phiếu này lại được nâng lên rất cao. Kết quả là, dù không chính thức thừa nhận hành vi sai phạm, Merrill Lynch cũng đồng ý nộp 100 triệu USD tiền phạt và thay đổi cách thức nghiên cứu của mình.
Do thấy được những dòng thư điện tử ngắn ngủi lại có thể gây ra hậu quả khôn lường, nhiều công ty ở Mỹ đang nỗ lực đưa ra những biện pháp phòng ngừa các rủi ro do thói quen sử dụng thư điện tử của các nhân viên có thể gây ra. Bên cạnh đó, mức độ sử dụng tin nhắn tức thì (IM) cũng tạo ra nguy cơ cao vì những tin nhắn này cũng dễ dàng bị kiểm soát và khống chế, dẫn đến khả năng thông tin mật của công ty bị rò rỉ. Nhiều công ty trong số đó đã tiến hành sử dụng các chương trình phần mềm kiểm soát việc sử dụng thư điện tử, thậm chí cả tin nhắn IM tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, Lee Tien, một luật sư ở bang San Francisco, cho rằng các nỗ lực kiểm soát nhân viên trong công việc có thể hạn chế tính hữu ích của e-mail, cũng như hiệu quả làm việc của nhân viên. Nhưng thực tế cho thấy bất kỳ e-mail nào cũng có thể bị lục tìm, làm tiết lộ bí mật kinh doanh. Vấn đề cần lưu ý là những nguy cơ do việc tạo lập và gởi e-mail gây ra không chỉ ảnh hưởng đến công ty mà cả từng nhân viên. Những thư điện tử mà các nhân viên này tạo ra có thể trở thành chứng cứ chống lại bản thân họ trước tòa.
Theo Lee Tien, các công ty cần có chính sách kiểm soát thư điện tử được trình bày bằng văn bản rõ ràng và phần nội dung trong đó cần đề cập cụ thể những nguy cơ pháp lý có thể xảy ra cho tất cả nhân viên trong công ty cùng nắm. Nếu không, chỉ những nhân viên cấp cao mới biết được quyền lợi của họ sẽ không được bảo vệ trong trường hợp thư điện tử bị tiết lộ dẫn đến thiệt hại cho công ty. Đó chính là trường hợp xảy ra đối với David Duncan, nhân viên kiểm toán của Công ty Arthur Andersen, vô tình để lộ thông tin trong vụ bê bối tài chính Enron vừa qua, đã bị công ty này sa thải và cuối cùng phải ra hầu tòa. Cách đây vài tháng, Công ty Hewlett-Packard Compaq cũng đã tiến hành kỷ luật 150 nhân viên ở Anh, thậm chí sa thải vài người trong số đó vì tội “xem và chia sẻ với nhau các tài liệu trái quy định và không thích hợp” qua e-mail. Theo một khảo sát mới đây của Webnese, công ty chuyên “lọc” nội dung Internet và tạp chí điện tử PersonnelIToday. com, có khoảng 25% công ty ở Mỹ đã sa thải nhân viên vì những lý do tương tự. Quyết định trên của những công ty này chủ yếu xuất phát từ bài học kinh nghiệm của các công ty bị thua kiện vừa qua do những chứng cứ được tìm thấy trong các thư điện tử.

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Security] Internet blackout scheduled in protest of SOPA