[Tài liệu] Nguồn Chứng cứ trong Tố tụng hình sự Việt Nam
Tóm lại: Những gì được coi là chứng cứ phải có đầy đủ ba thuộc tính trên. Nếu xét trong quan hệ nội tại giữa các các thuộc tính của chứng cứ thì tính khách quan và tính liên quan là nội dung của chứng cứ, còn tính hợp pháp là hình thức của chứng cứ.
Ba thuộc tính của chứng cứ có quan hệ chặt chẽ với nhau. Không thể coi là chứng cứ nếu những tài liệu thu được không thoả mãn đầy đủ cả ba thuộc tính trên đây.
IV -Các loại nguồn chứng cứ
Có nhiều cách hiểu khác nhau về nguồn chứng cứ. Có ý kiến cho rằng nguồn chứng cứ chính là người hoặc vật đã cung cấp chứng cứ (1). Lại có quan niệm cho rằng giữa nguồn chứng cứ và chứng cứ có quan hệ đến việc sử dụng chứng cứ:
“Từ những nguồn này, sau khi cơ quan tố tụng xác định dùng nguồn nào để chứng minh trong từng vụ án cụ thể thì nguồn chứng cứ ấy trở thành chứng cứ ... Giả dụ ta coi bàn tay úp sấp là nguồn chứng cứ và cũng bàn tay ấy để ngửa là chứng cứ thì động tác xoay cổ tay để bàn tay từ sấp thành ngửa được ví như quá trình điều tra, tư duy để xác định nguồn chứng cứ nào có thể được dùng là chứng cứ để chứng minh”(1) Như vậy, theo quan niệm này thì nguồn chứng cứ chính là chứng cứ. Nó chỉ phụ thuộc vào việc có sử dụng hay không trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Từ quan niệm này tác giả đi đến việc phân định chứng cứ thành hai loại chính: “Chứng cứ vật chất” (gồm vật chứng, biên bản hoạt động điều tra và các tài liệu khác) “Chứng cứ tinh thần” (gồm các lời khai, kết luận giám định).
Quan niệm khác cho rằng nguồn là cái dùng để xác định chứng cứ: “Nguồn chứng cứ là phương tiện chứng minh mà từ các phương tiện chứng minh rút ra được chứng cứ”. “Chứng cứ phải được rút ra từ những phương tiện chứng minh”(2) Nhưng lại có quan niệm cho rằng “Nguồn chứng cứ là những hình thức biểu hiện sự tồn tại của chứng cứ, được quy định bởi các quy phạm pháp luật, mà từ đó có thể rút ra được chứng cứ”(3) Theo quan niệm này thì nguồn chứng cứ được hiểu theo hai khía cạnh: thứ nhất, nguồn là hình thức biểu hiện của chứng cứ, cho phép ta nhận thức được một cách cụ thể rõ ràng về chứng cứ; thứ hai, nguồn là nơi chứa đựng chứng cứ mà từ đó có thể rút ra được chứng cứ. Quan niệm này có nét gần giũ với quan niệm sau: “...nguồn chứng cứ với nghĩa là nơi là cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tìm ra được những tình tiết có giá trị chứng minh về tội phạm”(1)
Như vậy, có thể thấy rằng nguồn chứng cứ cũng là một vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm lý giải theo các cách nhìn khác nhau. Chúng tôi thống nhất với quan niệm cho rằng nguồn là nơi chứa đựng những thông tin có thể xác định là chứng cứ của vụ án hình sự nếu thoả mãn các thuộc tính của chứng cứ.
Ví dụ, trong vụ án hình sự có rất nhiều lời khai của người làm chứng, người bị hại, có bản kết luận giám định về nhiều tình tiết khác nhau. Đây chỉ là nguồn chứng cứ của vụ án hình sự. Không phải tất cả mọi vấn đề trong lời khai của người làm chứng, người bị hại hay là của kết luận giám định đều là chứng cứ. Chẳng hạn, người làm chứng khai cho cơ quan điều tra biết rất nhiều thông tin và các thông tin này xác định được có nhiều sự kiện đã xảy ra. Thì chỉ có thông tin nào xác thực về sự kiện có liên quan đến vụ án và đã được thu thập theo đúng Luật tố tụng hình sự thì mới có thể là chứng cứ...
Rõ ràng là nguồn chứng cứ có vai trò quan trọng trong việc xác định chứng cứ trong vụ án hình sự. Nếu không có nguồn chứng cứ thì không thể có chứng cứ, nhưng không phải cứ có nguồn chứng cứ là đã xác định được chứng cứ.
Sau đây, giới thiệu một số vấn đề cơ bản về nguồn chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam:
1. Vật chứng
Vật chứng là nguồn chứng cứ có tính truyền thống. Từ khi có hoạt động tố tụng hình sự thì vật chứng luôn luôn giữ vai trò quan trọng cho việc làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Tuy nhiên, vẫn có những quan niệm khác nhau về giá trị của nguồn chứng cứ này. Theo một số luật gia tư sản, việc phân chia chứng cứ được xác định như sau:
“Các chứng cứ có thể được chia làm hai loại: Lời khai và vật chứng. Lời khai là loại chứng cứ dưới dạng lời nói hoặc viết, thường là các câu trả lời khi bị hỏi cung, lời tường trình, lời thú tội, v.v... Vật chứng là loại chứng cứ tồn tại khách quan, có hình dáng, kích cỡ, v.v... Vật chứng tồn tại dưới nhiều dạng, vật chứng có thể lớn như một toà nhà, bé nhỏ như một sợi vải, có thể chỉ thoảng qua như một mùi hương hay rõ ràng như quang cảnh của một vụ nổ”(1)
Như vậy, theo các luật gia này thì không có sự phân biệt chứng cứ với nguồn chứng cứ. Lời khai và vật chứng là chứng cứ của vụ án hình sự. Vật chứng được hiểu là tất cả những gì tồn tại bên ngoài thế giới khách quan có hình dáng, kích cỡ... có thể xác định được bằng trực quan thì đều là vật chứng. Từ đó có thể hiểu tất cả các loại dấu vết vật chất đều được gọi là vật chứng. Cho nên, vật chứng có thể rất đồ sộ như một toà nhà mà có thể nhỏ bé li ti hoặc tồn tại ở dạng khí...
Việc đề cao đặc biệt giá trị của vật chứng trong quá trình chứng minh vụ án hình sự thể hiện rõ nhất trong giới luật gia tư sản. Theo họ, vật chứng có giá trị chứng minh rất cao trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự từ khi tiếp nhận tin báo và tố giác về tội phạm cho đến khi tiến hành xét xử tại phiên toà: Vật chứng có thể chứng minh được có vụ án hình sự xảy ra hay không. Vật chứng chỉ ra mối liên hệ giữa thủ phạm và nạn nhân hay hiện trường vụ án. Vật chứng có thể được dùng để tìm ra những người có liên quan đến vụ án. Vật chứng có thể minh oan cho người vô tội. Vật chứng có thể dùng để kiểm tra lời khai của người bị hại, người bị tình nghi...(1)
Thậm chí theo các tác giả này thì giá trị của vật chứng còn thể hiện ở chỗ “...Vật chứng đáng tin cậy hơn nhân chứng.Vật chứng đã trở nên quan trọng hơn nhờ những quy định mới của Toà án. Toà án tối cao Hoa Kỳ đã hạn chế việc sử dụng các lời khai hay lời thú tội của bị cáo. Khi xét xử đoàn bồi thẩm thường yêu cầu đưa ra các vật chứng. Việc không có bất kỳ một loại vật chứng nào ở hiện trường cũng có thể cung cấp thông tin quan trọng hoặc chấm dứt tranh luận tại phiên toà”. “ Vật chứng đáng tin cậy hơn nhân chứng... Đơn giản là họ chỉ kể lại những gì họ nghĩ là đã nhìn thấy”(1). Trong trường hợp nếu có mâu thuẫn giữa lời khai của những người được hỏi với vật chứng đã thu thập được thì người ta sẽ sử dụng vật chứng để bác bỏ lời khai. Việc xác định như vậy, phải chăng một lần nữa các luật gia tư sản đã trở về với việc thừa nhận hệ thống chứng cứ hình thức (chứng cứ pháp định) đã từng tồn tại ở trình tự tố tụng hình sự xét hỏi vào thời kỳ phong kiến tập quyền thống trị ở các nước Tây âu. Xuất phát từ nguyên lý “chân lý luôn luôn là cụ thế”(2) của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Luật tố tụng hình sự của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa không chấp nhận việc đề cao thái quá giá trị của vật chứng trong hoạt động chứng minh vụ án hình sự, ngược lại cũng không được coi thường giá trị chứng minh của vật chứng trong hoạt động điều tra và xét xử vụ án hình sự.
“Vật chứng rất quan trọng nên phải chú trọng thu thập đầy đủ, không được để sót dù là vật nhỏ nhất, tầm thường nhất. Tuy vậy, cũng phải đánh giá đúng mức, không nên cho nó là loại nguồn chứng cứ cao nhất và là vạn năng. Thực tế, vật chứng có khi vẫn là giả. Phạm vi và tác dụng chứng minh của nó có mức độ khác nhau...”(1) Theo Điều 56 Bộ Luật tố tụng hình sự Việt Nam thì: “Vật chứng là những vật dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết của tội phạm; vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”
Vật chứng là những vật (đồ vật, súc vật, thực vật, các chất rắn, lỏng,..) mà dựa vào đó có thể xác định các sự kiện có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Những vật mang những thông tin xác định sự kiện đã xảy ra có liên quan đến vụ án hình sự. Việc khai thác các thông tin từ vật chứng khác với việc khai thác thông tin từ lời khai của những người tham gia tố tụng hình sự (người làm chứng, người bị hại...). Thông tin do người tham gia tố tụng hình sự cung cấp được mã hoá dưới dạng lời nói và chữ viết. Với những ngôn ngữ này, con người có thể hiểu được ngay về sự việc mà các thông tin này xác định. Song việc khai thác các thông tin từ vật chứng lại đòi hỏi sự quan sát trực quan, tỉ mỉ, có sử dụng đến các phương tiện hỗ trợ và các thành tựu khoa học khác. Cho nên, có người gọi vật chứng là “nhân chứng câm”.
Có nhiều cách phân loại vật chứng, căn cứ vào đặc điểm của việc xuất hiện và tham gia vào quá trình xảy ra vụ án hình sự, có thể phân chia vật chứng thành những loại sau đây:
+ Vật chứng là những vật dùng làm công cụ, phượng tiện phạm tội như dao, súng, đạn, mìn, chó, hổ cá sấu... Phương tiện giao thông, thông tin: Xe máy, bộ đàm... Nhà ở, phòng ở (như trong vụ cướp gật, gá bạc, chứa mại dâm...)
+ Vật chứng là những vật mang dấu vết của tội phạm: Quần áo dính máu, cái cốc có dấu vân tay... Vật mang dấu vết nếu theo nghĩa rộng thì gồm: Vật ghi lại dấu vết lúc tội phạm xảy ra; vật ghi lại dấu vết lúc tiến hành điều tra (khám nghiệm)...
+ Vật chứng là những vật được coi là đối tượng của tội phạm như tài sản của Nhà nước, công dân... (kể cả tiền là đối tượng của tội phạm)
+Vật chứng còn là những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội (kể cả tiền bạc do phạm tội mà có). Ví dụ: Thông qua phạm tội mà có tiền rồi dùng tiền để mua sắm các đồ dùng khác; hoặc phát hiện thấy vật đã để lại dấu vết ở hiện trường (như tại hiện trường thu được sợi vải và khi khám xét phát hiện chiếc áo; tại hiện trường thu dấu vết dép, khi khám xét thu đôi dép có đặc điểm giống với dấu vết để lại ở hiện trường...)
Trên cơ sở của giá trị chứng minh của vật chứng mà người ta có thể chia vật chứng thành hai loại như sau: Vật chứng có giá trị chứng minh có tội phạm, vật chứng có giá trị chứng minh người phạm tội.
Vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm là những vật, tiền bạc mà từ đó các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và người tiến hành tố tụng hình sự có thể tìm ra những tình tiết có giá trị chứng minh tội phạm (tức là có sự liên quan nhất định -ít hoặc nhiều- đối với tội phạm). Bao gồm:
Tiền bạc (là công cụ, phương tiện, đối tượng phạm tội hoặc vật mang dấu vết tội phạm);
Vật được dùng làm công cụ phạm tội;
Vật được dùng làm phương tiện phạm tội; Vật là đối tượng tác động của tội phạm;
Vật mang dấu vết tội phạm;
Vật khác có giá trị chứng minh (do phạm tội, mua bán tài sản đã chiếm đoạt được mà có).
Vật chứng có giá trị chứng minh người phạm tội là những vật chứng mà từ đó các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, người tiến hành tố tụng hình sự có thể tìm ra những tình tiết có giá trị chứng minh người phạm tội. Ví dụ: Dấu vân tay, dấu vết máu, dấu nạng gỗ của người phạm tội bị què...(1)
Ngoài ra cò tuỳ thuộc vào tính năng, tác dụng của vật chứng mà người ta còn chia vật chứng thành vật chứng là vũ khí, chất độc chất cháy, chất phóng xạ... và vật chứng là các vật thông thường. Căn cứ vào giá trị sử dụng của vật chứng người ta chia thành vật chứng có giá trị sử dụng và vật chứng không có giá trị sử dụng. Căn cứ vào thời gian tồn tại có giá trị sử dụng của vật chứng mà người ta chia ra thành các loại như vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc dễ bị phân huỷ, vật chứng thuộc loại tài sản có thời hạn sử dụng ngắn... Căn cứ vào tính chất đặc biệt của vật chứng mà người ta chia thành vật chứng là tiền vàng, kim khí quí,... và vật chứng là các tài sản thông thường... Việc phân chia theo căn cứ nào tuỳ thuộc vào mục đích của việc phân chia như để tìm kiếm biện pháp thu thập thích hợp, để bảo quản tốt hoặc để đánh giá, để xử lý vật chứng...
2. Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
a, Lời khai của người làm chứng
Lời khai của người làm chứng là lời trình bày của người có hiểu biết về những tình tiết có liên quan đến vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Nội dung lời khai của người làm chứng có thể là diễn biến của vụ án; nhân thân của bị can, bị cáo, người bị hại; quan hệ của họ với bị can, bị cáo, người bị hại; những vấn đề khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án (Những hoạt động của bị can trước, sau khi vụ án sảy ra...)
Lời khai của người làm chứng có ý nghĩa quan trọng, không thể thay thế được. Về vấn đề này được hiểu là nếu một người đã tham gia (có thể tham gia) vào tố tụng hình sự với vị trí là người làm chứng thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không để họ giữ vai trò tố tụng khác như người phiên dịch, người giám định hoặc người tiến hành tố tụng hình sự trong vụ án hình sự đó. Không thể nhờ người khác đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để làm chứng thay, mà ai là người có hiểu biết về vụ án được coi là người làm chứng thì họ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm làm chứng, không thể giao cho người khác làm thay mình.
b, Lời khai của người bị hại
Lời khai của người bị hại là lời trình bày của người bị người phạm tội trực tiếp xâm hại đến thể chất, tinh thần, tài sản. Nội dung lời khai của người bị hại có thể là:
Diễn biến của vụ án, những tình tiết mà họ biết được (đặc điểm tài sản bị chiếm đoạt, các giấy tờ có liên quan, công tác bảo vệ...) Những thiệt hại do tội phạm gây ra.
Quan hệ của họ với bị can, bị cáo.
Những vấn đề khác có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án.
Lời khai của người bị hại có ý nghĩa quan trọng. Bản thân họ là người bị thiệt hại nên họ mong muốn nhanh chóng làm rõ vụ án, họ có thể nhớ được những tình tiết có ý nghĩa cho việc giải quyết nhanh vụ án. Tuy vậy họ cũng có những đặc điểm tâm lý không phải luôn luôn có lợi cho việc điều tra như thổi phồng những thiệt hại.
c, Lời khai của nguyên đơn dân sự
Lời khai của nguyên đơn dân sự là lời trình bày của cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Lời khai của nguyên đơn dân sự có ý nghĩa cho việc xác định thiệt hại vật chất do tội phạm gây ra.
d, Lời khai của bị đơn dân sự
Lời khai của bị đơn dân sự là lời trình bày của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm vật chất đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Nội dung lời khai của bị đơn dân sự có thể là lời trình bày về việc họ có chấp nhận yêu cầu bồi thường, mức bồi thường của nguyên đơn dân sự hay không, lý do của các ý kiến này...
e, Lời khai của người bị tạm giữ
Lời khai của người bị tạm giữ là lời trình bày của người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang (có quyết định tạm giữ đối với họ) về những tình tiết có liên quan đến việc họ bị nghi là đã thực hiện tội phạm. Nội dung lời khai của người bị tạm giữ thông thường có một trong hai khả năng:
Họ khai nhận hành vi phạm tội. Trong trường hợp này vẫn cần phải thẩm tra xác minh để có căn cứ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can...
Họ đưa ra những lý do trình bày là mình không phạm tội, không có lỗi... (cần xác minh làm rõ sự thật, không tuỳ tiện quy kết theo nhận định chủ quan khi chưa thẩm tra xác minh)
Khi đánh giá lời khai của người bị tạm giữ phải thật khách quan, không được cho rằng họ đã phạm tội (đề phòng có sự nhầm lẫn), cũng không được chủ quan cần đề phòng họ đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Người bị tạm giữ thường quan tâm đến vụ án. Vì vậy, lời khai của họ cần phải được xem xét kỹ lưỡng và so sánh với các tài liệu khác có trong quá trình thẩm tra xác minh.
g, Lời khai của bị can, bị cáo
Lời khai của bị can, bị cáo là lời trình bày của người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tình tiết của vụ án.
Bị can, bị cáo là người hiểu rõ nhất về những tình tiết của vụ án. Lời khai của họ có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ sự thật. Tuy nhiên, họ không có nghĩa vụ phải khai báo như người làm chứng mà họ có quyền bào chữa. Nếu bị can, bị cáo khai báo thành khẩn thì được khoan hồng. Vì vậy, trong tố tụng hình sự Việt Nam thì luôn khuyến khích bị can, bị cáo tích cực góp phần xác định sự thật của vụ án. Trong khi đó, ở một số nước, bị can bị cáo hoàn toàn có quyền im lặng- quyền này được giải thích cho họ biết khi tiến hành hỏi cung. Chẳng hạn, Toà án Mỹ trước đây cũng như hiện nay không yêu cầu bị cáo phải thú tội. Tuy vậy trên thực tế không đơn giản như thế, thông kê cho thấy khoản 75-90% các bản án đều được đưa ra trên cơ sở các bị cáo tự thú nhận. Trong các trường hợp khi bị cáo không phản kháng đều bị kết tội (99%)(1). Thậm chí lại có sự mặc cả giữa công tố viên và bị can trong việc nhận tội.
h, Lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án
Là lời trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến các quyết định của Toà án. Nội dung lời khai của họ cũng phải được xem xét tương tự như lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự....
3. Kết luận giám định
Điều 1, Pháp lệnh Giám định tư pháp số 24/2004/PL-UBTVQH11 do Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành quy đinh: “Giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ án) do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án.”
Kết luận giám định là bản nhận xét của người giám định về vấn đề có liên quan đến việc làm rõ vụ án hình sự được cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trưng cầu, dựa trên cơ sở quy luật khách quan của tự nhiên, xã hội.
Kết luận giám định là cơ sở để xác định có tội phạm xảy ra hay không, ai là người phạm tội... Vì vậy, mặc dù Bộ Luật tố tụng hình sự, không có quy định việc giám định trước khi khởi tố vụ án hình sự. Song thực tế trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, hoạt động giám định có thể được tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự như giám định về nguyên nhân chết người, tính chất mức độ thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ, nguyên nhân cháy...Người giám định chỉ đựơc phép kết luận trong phạm vi được trưng cầu mà không được kết luận sang những vấn đề thuộc thẩm quyền của người tiến hành tố tụng hình sự. Người giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình.
Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại (khoản 2, Điều 55 Bộ Luật tố tụng hình sự). Tuy nhiên, việc giám định lại phải theo đúng pháp luật.
Những tình tiết trong bản kết luận giám định là chứng cứ khi có đủ ba thuộc tính của chứng cứ.
Kết luận giám định là loại nguồn chứng cứ quan trọng vì các chứng cứ này được dựa trên những cơ sở của các thành tựu khoa học. Khoa học càng phát triển thì các thành tựu của nó càng được sử dụng nhiều vào việc giải quyết vụ án hình sự.
Theo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và thực tiễn đấu trnh chông tội phạm thì các trường hợp trưng cầu giám định để phục vụ cho việc giải quyết vụ án hình sự được chi thành hai trường hợp:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 5 Điều 44; khoản 2 Điều 57 Bộ Luật tố tụng hình sự thì bắt buộc phải trưng cầu giám định khi xác định:
Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ, khả năng lao động.
Tình trạng tân thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ.
Tình trạng tâm thần của người làm chứng, người bị hại trong trường hợp có nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án.
Khi vật chứng là vàng bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, chất ma tuý.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 130, Bộ Luật tố tụng hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết:
Do yêu cầu của vụ án (thu được những tài liệu cần thiết phải giám định...) Vấn đề thuộc chuyên môn khoa học mà người tiến hành tố tụng hình sự không thể tự mình kết luận được (vì không có khả năng hoặc không khách quan...). Ví dụ: Hàng giả, văn hoá phẩm...
Kết thúc việc giám định, người giám định phải có bản kết luận giám định. Trong bản kết luận giám định, người giám định có thể đưa các dạng kết luận giám định như sau:(1)
- Kết luận khảng định là kết luận dứt khoát đối với vấn đề cần giám định đã được đặt ra, có tính chất xác định dứt khoát hoặc phủ định dứt khoát. Dạng kết luận này là có giá trị chứng cứ. Trên cơ sở yêu cầu giám định, các tài liệu được gửi đến giám định... người giám định có thể kết luận khảng định ở một số dạng sau:
+ Kết luận về sự đồng nhất là kết luận khảng định trực tiếp một người một vật hoặc một sự việc.
+ Kết luận về sự đồng loại là kết luận xác định một nhóm người, vật, sự việc. Chẳng hạn kết luận về giới tính người để lại dấu vết, xác định diện tình nghi, diện vật chứng cần tìm, diện sự việc cần kiểm tra...
- Kết luận khả năng là kết luận không dứt khoát đối với vấn đề giám định đã được đặt ra, nhưng nó có xu hướng xác định về một người, một vật hoặc một sự việc nhất định. Việc xác định có thể đúng có thể không đúng. Vì vậy, kết luận ở dạng này chỉ có giá trị tham khảo, dùng để xây dựng giả thuyết điều tra.
- Không kết luận được có thể do các tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật gửi đến không đủ yếu tố để kết luận hoặc cơ quan giám định không đủ thời gian, phương tiện, kinh phí, trình độ để kết luận.
Công tác giám định là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Công tác này bao gồm: Hoạt động trưng cầu giám định, hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả giám định. Không giao cho người bị hại tự đi giám định vì hoạt động giám định là hoạt động tố tụng hình sự phải được tiến hành theo đúng quy định của Luật tố tụng hình sự về thẩm quyền, thủ tục.
Khác với việc giải quyết một số loại án (dân sự, hành chính...), hoạt động trưng cầu giám định trong vụ án hình sự được giao cho Thủ trưởng cơ quan điều tra. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 141 Bộ Luật tố tụng hình sự cho phép Viện kiểm sát có quyền trưng cầu giám định(1).
4. Biên bản hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu khác
Biên bản hoạt động điều tra, xét xử là những văn bản pháp lý ghi nhận những hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Những tình tiết ghi trong biên bản điều tra (biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét...), xét xử (biên bản phiên toà, biên bản nghị án, biên bản thu giữ vật chứng, biên bản xem xét tại chỗ...) hoặc các hoạt động tố tụng khác có thể được coi là chứng cứ (khi thoả mãn các thuộc tính của chứng cứ). Chú ý đảm bảo tính hợp pháp của các biên bản điều tra, xét xử.
Tài liệu khác là những văn bản hợp pháp khác có những tình tiết liên quan đến vụ án mà các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Các tài liệu khác như lý lịch bị can, giấy khai sinh, báo cáo của cơ quan Nhà nước, biên bản xử lý vi phạm hành chính, trích lục tiền án tiền sự... Các tài liệu khác thu được phải chú ý đến nguồn cung cấp (về thẩm quyền, sự khách quan...) và tính hợp pháp khi thu thập. Nếu tài liệu có dấu vết của tội phạm thì được coi là vật chứng. (Ví dụ: Hoá đơn chứng từ, thư...)
Lược trích từ sách
Lưu ý: Bộ Luật Tố tụng hình sự Cũ: Bạn có thể kể thừa về mặt lý luận nhưng khi áp dụng cần phân tích trên văn bản luat Hiện hành
Lưu ý: Bộ Luật Tố tụng hình sự Cũ: Bạn có thể kể thừa về mặt lý luận nhưng khi áp dụng cần phân tích trên văn bản luat Hiện hành
Comments
Post a Comment
Để lại góp ý của bạn để blog của mình hoàn thiện hơn :))