Chứng cứ trong hoạt động Thanh tra




1-    Chứng minh là công cụ của nhận thức khoa học.
Loài người để tồn tại và phát triển phải lao động sáng tạo, sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao và đa dạng về vật chất và văn hoá thì con người phải nắm bắt được sự phát triển của các sự vật, hiện tượng, quá trình; phải hiểu biết các quy luật của thế giới khách quan và vận dụng các tri thức có được trong hoạt động thực tiễn nhằm thoả mãn nhu cầu của mình.
Như vậy, để lao động sản xuất, tiến hành các hoạt động xã hội, con người phải có tri thức về văn hoá, khoa học - kỹ thuật và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Thông qua hoạt động thực tiễn, con người thu thập các thông tin về các sự việc của thế giới xung quanh, xem xét, đánh giá, so sánh, rút ra những đặc điểm, những cái cơ bản, bản chất, những quy luật của chúng để tái tạo, chế ngự, điều khiển được chúng, đó chính là hoạt động nhận thức của con người. Chính nhờ có nhận thức mà hoạt động của con người trở thành hoạt động sáng tạo và loài người mới ngày càng phát triển và văn minh hơn. Thông qua hoạt động sáng tạo đó, nhận thức của con người cũng phát triển và là nhận thức khoa học.
Để nhận thức thế giới khách quan một cách khoa học, con người cũng tuân theo các quy luật của tư duy, sử dụng nhiều công cụ, phương pháp khoa học, trong đó có chứng minh.
Trong các lĩnh vực hoạt động của mình, con người thường nêu ra các ý kiến, quan điểm, kết luận của mình về một vấn đề nào đó hoặc đưa ra một quan điểm mới, một sáng kiến mới. Muốn để người khác chấp nhận ý kiến, con người phải sử dụng các tài liệu, sự vật, sự kiện cụ thể, rõ ràng, chính xác bằng các lý lẽ chặt chẽ để chứng minh, thuyết phục. Như vậy, chứng minh là hành vi của con người dựa vào các sự kiện, sự việc, tài liệu và bằng các quy tắc, phương pháp của nhận thức khoa học để lập luận, bảo vệ cho sự đúng đắn, chính xác của các quan điểm, ý kiến, kết luận, phán đoán của mình.
Chứng minh diễn ra trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người, từ nghiên cứu khoa học đến đấu tranh chính trị, tiến hành kinh doanh… Đó là việc làm của em học sinh giải bài tập toán học, viết tập làm văn cho đến việc nhà bác học chứng minh học thuyết, định lý.
Chứng minh là một hoạt động tất yếu của con người từ trong suy luận, tranh luận thông thường cho đến đấu tranh chính trị, hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học… Nhờ có chứng minh mà con người lại tiến thêm trong việc nhận thức chân lý và hoàn thiện được chính tư duy, nhận thức của mình.
2-    Chứng minh trong khoa học pháp lý.
Cũng như trong các lĩnh vực khác nhau của con người, chứng minh cũng được sử dụng trong lĩnh vực luật pháp, từ nghiên cứu khoa học pháp lý, xây dựng pháp luật cho đến việc thực hiện các văn bản pháp luật. Hoạt động chứng minh có vai trò đặc biệt trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan, nhân viên nhà nước, trong việc cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Cá nhân, tổ chức khi muốn thực hiện các quyền của mình do pháp luật quy định, khi bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trong các tranh chấp pháp luật thì phải chứng minh, pháp luật xác định các quyền của cá nhân, tổ chức. Để thực hiện quyền đó, các cá nhân, tổ chức nhiều khi phải xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền về các điều kiện, tiêu chuẩn mà mình có đủ và đề nghị cơ quan đó cho mình hưởng thụ các quyền. Trong các quan hệ xã hội, trong giao tiếp hàng ngày, giữa cá nhân, tổ chức không tránh khỏi mâu thuẫn, tranh chấp về quyền và nghĩa vụ - tức là các tranh chấp pháp luật. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các cá nhân và tổ chức phải đưa ra các bằng chứng và lập luận để chứng minh cho các yêu cầu, đòi hỏi của mình là đúng đắn và hợp pháp. Nếu các bên không thể tự giải quyết được với nhau thì có thể khởi kiện ra Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác để giải quyết. Tại Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, hai bên tranh chấp phải xuất trình chứng cứ, nêu căn cứ pháp lý, thẩm quyền phán quyết, quyết định giải quyết tranh chấp. Nguyên đơn phải chứng minh để bảo vệ sự đúng đắn yêu cầu của mình. Bị đơn cũng phải đưa ra các tài liệu, chứng lý để phản bác đòi hỏi của nguyên đơn.
Trong khi thi hành nhiệm vụ, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thường đưa ra các kết luận, quyết định, đó là các kết luận về việc làm của cá nhân, tổ chức nào đó có vi phạm pháp luật hay không? Đúng hay sai? Hợp pháp hay không hợp pháp?... Một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đưa ra các quyết định xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng các chế tài đối với một số cá nhân, tổ chức. Một số cơ quan, tổ chức có thể chấp nhận các yêu cầu, giải quyết khiếu nại hoặc không chấp thuận yêu cầu, không giải quyết khiếu nại. Khi đưa ra các kết luận, quyết định đó, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng phải đưa ra các căn cứ, nêu rõ lý do để chứng minh cho sự đúng đắn, hợp pháp của các kết luận, quyết định của mình.
Như vậy, chứng minh là một việc bắt buộc của các cá nhân, tổ chức để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực thi các nhiệm vụ, quyền hạn.
Để chứng minh thì phải có chứng cứ. Bộ phận cơ bản nhất, quan trọng nhất của chứng minh là chứng cứ.
Trong khoa học pháp lý và trong pháp luật hiện hành, chưa có định nghĩa chung về chứng cứ. Những vấn để chứng minh, chứng cứ được quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự. Các cơ quan Điều tra, Kiểm sát và Toà án phải chứng minh là hành vi phạm tội xảy ra hay không? Người thực hiện hành vi phạm tội là ai? Để chứng minh tội phạm thì phải có chứng cứ. Điều 48 Bộ luật tố tụng hình sự định nghĩa: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, do Bộ luật này quy định mà cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát hay Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”.
Như vậy, chứng cứ là phương tiện chứng minh tội phạm. Trong tố tụng hình sự thì quá trình chứng minh phải tiến hành qua các bước: thu thập chứng cứ, kiểm tra chứng cứ và đánh giá chứng cứ. Quá trình chứng minh này phải tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ trên cơ sở pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, ý thức pháp luật và niềm tin nội tâm của những Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân để đánh giá các chứng cứ khách quan, toà diện, đầy đủ và đúng pháp luật.
Trong pháp luật tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính đều có quy định về chứng minh, chứng cứ.
Điều 3 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự quy định: “Đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Toà án có nhiệm vụ xem xét mọi tình tiết của vụ án và khi cần thiết có thể thu thập thêm các chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác”.
Chứng cứ trong tố tụng dân sự được định nghĩa như sau: “Chứng cứ là những gì có thật mà dựa vào đó theo một trình tự do luật định, Toà án xác định là có hay không có những tình tiết làm cơ sở cho các yêu cầu của đương sự và những tình tiết khác có ý nghĩa để giải quyết đúng đắn vụ án”(1).
Pháp luật tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính quy định các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình. Như vậy, khác với tố tụng hình sự, các cá nhân, tổ chức là các bên đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho các yêu cầu của mình hoặc phản bác yêu cầu của bên kia. Khi cần thiết, Toà án có thể thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác.
Như vậy, trong tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, hành chính thì chứng minh là việc của Toà án, các đương sự và những người tham gia tố tụng khác, bao gồm: thu thập, cung cấp, nghiên cứu, xem xét và đánh giá chứng cứ nhằm xác định các tình tiết của vụ án để giải quyết vụ án.
3- Chứng minh và chứng cứ trong hoạt động của Thanh tra nhà nước.
Theo Pháp lệnh thanh tra năm 1990 thì các tổ chức Thanh tra nhà nước có hai nhiệm vụ chủ yếu: thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì thanh tra có quyền đưa ra các kết luận, kiến nghị hoặc quyết định xử lý.
Khi tiến hành các cuộc thanh tra hoặc giải quyết các khiếu nại, tố cáo thì các cơ quan Thanh tra nhà nước phải xác định, nghiên cứu, xem xét nội dung sự việc, cách xử lý, giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra hoặc là đối tượng bị khiếu nại, tố cáo. Căn cứ vào chính sách, pháp luật, các cơ quan Thanh tra kết luận và đưa ra kiến nghị hoặc quyết định xử lý.
Để có kết luận, quyết định xử lý đúng pháp luật, các cơ quan Thanh tra cần phải yêu cầu các cơ quan là đối tượng thanh tra cung cấp tài liệu, báo cáo, trả lời; yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, thông tin có liên quan đến vụ việc được thanh tra hoặc các vụ khiếu nại, tố cáo mà mình đang thụ lý giải quyết. Cơ quan Thanh tra có thể tiến hành việc trưng cầu giám định để giúp cho việc xác định sự thật; quyết định niêm phong, kê biên tài sản hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép liên quan đến việc vi phạm pháp luật… Tất cả những hoạt động trên chính là việc thu thập chứng cứ của cơ quan Thanh tra để làm sáng tỏ mọi tình tiết của vụ việc đang thanh tra hoặc các vụ khiếu nại, tố cáo. Dựa trên các quy định của pháp luật, căn cứ vào các chứng cứ đã thu thập được, cơ quan Thanh tra xem xét, đánh giá việc làm của đối tượng bị thanh tra, cách giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đúng pháp luật hay không và ra quyết định xử lý. Hoạt động thu thập, xem xét, đánh giá chứng cứ như trên của cơ quan Thanh tra là quá trình chứng minh về việc làm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có trái chính sách, pháp luật hay không và cũng chính là chứng minh cho các kết luận, quyết định xử lý của mình là đúng pháp luật.
Như vậy, theo quy định của pháp luật và trong hoạt động thực tế khi thực hiện nhiệm vụ của mình, các cơ quan Thanh tra có thu thập, xem xét và đánh giá chứng cứ để chứng minh cho các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý của mình. Tuy nhiên, pháp luật về thanh tra chưa quy định cụ thể về cách thức thu thập chứng cứ, xem xét, đánh giá chứng cứ trong quá trình thanh tra. Do vậy, trong hoạt động thanh tra chưa có một cách thức, quy trình, thủ tục chặt chẽ về việc thu thập, đánh giá chứng cứ. Quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Thanh tra trong thu thập chứng cứ còn hạn chế.
Cũng như các cơ quan Điều tra, Kiểm sát, Toà án, hoạt động của cơ quan Thanh tra nhà nước phải dựa trên cơ sở chứng cứ và chứng minh. Chỉ có thể dựa trên cơ sở chứng cứ khách quan, đẩy đủ cùng với sự suy xét, đánh giá các chứng cứ một cách toàn diện, chặt chẽ của Thanh tra viên thì mới có các kết luận chính xác để kiến nghị hoặc quyết định xử lý đúng chính sách, pháp luật.
Như vậy, chứng cứ có vai trò tất yếu khách quan và quan trọng trong hoạt động của cơ quan Thanh tra, nó quyết định chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Thanh tra. Chứng cứ trong hoạt động thanh tra cũng có các đặc điểm như chứng cứ trong tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính như sau:
+ Tính khách quan: Tất cả các chứng cứ để làm căn cứ cho các kết luận, nhận định của cơ quan Thanh tra phải là các sự kiện, tài liệu có thật trên thực tế, tồn tại khách quan.
+ Tính liên quan: Các chứng cứ phải liên quan đến vụ việc mà cơ quan Thanh tra đang xem xét, giải quyết. Điều đó có nghĩa là tất cả các tài liệu, sự kiện được thu thập phải có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ việc thì mới được coi là chứng cứ.
+ Tính hợp pháp: Tất cả các chứng cứ phải được thu thập, bảo quản, nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá theo đúng thủ tục, trình tự do pháp luật quy định. Những sự kiện, tài liệu, vật cụ thể được thu thập, kiểm tra, đánh giá không theo đúng các trình tự, cách thức quy định trong pháp luật thì không có giá trị pháp lý.
Trong hoạt động thanh tra, việc xử lý chứng cứ chủ yếu do cơ quan Thanh tra thực hiện. Các cá nhân, tổ chức có liên quan chỉ cung cấp chứng cứ (theo pháp luật hiện hành thì được gọi là bằng chứng). Các cơ quan Thanh tra thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ để tự mình đưa ra các kết luận hoặc ra quyết định xử lý. Với đặc điểm đó, việc xử lý chứng cứ trong hoạt động thanh tra cần có cơ chế cụ thể, chặt chẽ, pháp luật cần quy định rõ nguồn chứng cứ, các nguyên tắc đánh giá chứng cứ khách quan, toàn diện để các cơ quan Thanh tra đưa ra các kết luận, quyết định đúng đắn.
Qua trình bày ở trên về đặc điểm của chứng cứ trong hoạt động của cơ quan Thanh tra, có thể định nghĩa chứng cứ như sau: “Chứng cứ là những giá trị có thật, được thu thập theo trình tự do pháp luật quy định để làm cơ sở cho các cơ quan Thanh tra đưa ra các kết luận, kiến nghị hoặc quyết định xử lý”./.


(1) Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, 1991, tr.85

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Security] Internet blackout scheduled in protest of SOPA