[Security] Bán dữ liệu thông tin cá nhân trên mạng


Qua thông tin của Tuổi Trẻ về hoạt động buôn bán thông tin cá nhân đang diễn ra công khai trên trang web danhsachkhachhang.com, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh đối với Dương Hồng Lễ (sinh năm 1984, quê ở Đồng Tháp) - chủ nhân trang web trên.

Công khai rao bán “đời tư”
Cục An ninh thông tin - truyền thông cho biết hiện một số đối tượng khác đang sử dụng các trang web như: danhsachvip.com, danhsachkh.com, trangvangkhachhang.vn, lienkettoancau.com, dulieugiare.mov.vn... để mua bán thông tin dữ liệu cá nhân cũng đang vào “tầm ngắm” của cơ quan công an. Các đối tượng này đều có dấu hiệu vi phạm khoản 1 mục b điều 226 Bộ luật hình sự: “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng, hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó”.
Lễ lập ra một công ty với tên gọi rất dài là Công ty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ quảng cáo đào tạo Tầm nhìn thế kỷ. Ngành nghề chính của công ty là quảng cáo nhưng có khá nhiều ngành phụ: thương mại điện tử, môi giới mua bán... Tuy nhiên website chính thức của công ty là danhsachkhachhang.com được Lễ lập vào tháng 10-2010 lại chỉ nhằm mục đích bán danh sách các thông tin cá nhân.

Dương Hồng Lễ thu hút sự chú ý với website khá chuyên nghiệp và công khai hoạt động mua bán danh sách thông tin khách hàng. Website của Lễ được thiết kế khá chỉn chu với đầy đủ thông tin chi tiết về danh sách khách hàng, có địa chỉ giao dịch tại 283 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM. Đặc biệt website còn có hẳn một mục quy định: “Cam kết sử dụng những thông tin danh sách phù hợp với pháp luật Việt Nam” (!?). Lễ công khai tên, số điện thoại, tài khoản tại bốn ngân hàng khác nhau để khách hàng dễ dàng được tư vấn và giao dịch.

Kho danh sách của Lễ khá đồ sộ với 30.000 thuê bao di động trả sau của MobiFone tại TP.HCM, 1.200 chủ tịch hội đồng quản trị, 850 thành viên Câu lạc bộ doanh nhân 2030, 650 thành viên Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn, 780 khách hàng đầu tư chứng khoán tại Công ty Viễn Đông, 1.100 khách hàng đầu tư chứng khoán HSC, 1.000 khách hàng đầu tư chứng khoán TVSI, 700 khách hàng sàn vàng VGB, 2.230 khách hàng đã mua bất động sản tại Phú Mỹ Hưng, 800 khách hàng đã mua bất động sản Him Lam, 1.200 khách của dự án Sài Gòn Pearl, 1.300 khách hàng sở hữu xe Mercedes, 750 khách hàng sở hữu xe BMW, 1.300 hội viên của Bệnh viện quốc tế cao cấp FV, 10.000 khách hàng của Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, 500 kiến trúc sư của các công ty... tại TP.HCM.


Theo cơ quan điều tra, Lễ có tổng cộng 51 danh sách thông tin. Từ khi bắt đầu rao bán, Lễ đã bán được 40 lượt danh sách với giá bán 500.000-600.000 đồng/lượt, thu lợi khoảng 21 triệu đồng. Lễ thừa nhận tất cả thông tin danh sách khách hàng đều được mua lại từ một người tên Lê Minh Trung (chủ trang web timkhachhang.com) và Hứa Văn Tuấn (chủ trang web datavip.com).


Thông tin rao bán danh sách khách hàng của Hứa Văn Tuấn được đăng trên một trang web -Ảnh: Châu Anh




Dễ ăn nên làm

Từ lời khai của Dương Hồng Lễ, cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng đến các đối tượng Lê Minh Trung (sinh năm 1983, ngụ TP.HCM) và Hứa Văn Tuấn (sinh năm 1986, ngụ TP.HCM). Trong đó, Hứa Văn Tuấn làm việc cho Công ty chứng khoán Phú Gia sau khi ra trường vào năm 2008. Trong thời gian làm ở công ty này, Tuấn đã thu thập được danh sách 600 khách hàng gửi mua bán bất động sản (có số điện thoại, mã căn hộ, giá bán). Từ đây Tuấn nảy sinh ý định kinh doanh vì thấy “thông tin dễ trao đổi và tất cả danh sách đã có trên mạng Internet”.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6-2010, thông qua các rao vặt trên mạng Internet, Tuấn đã quen biết và trao đổi gần 100 danh sách khách hàng với các đối tượng khác. Sau đó Tuấn bắt đầu rao bán các danh sách này trên trang web datavip24h.com và datavip24h.net. Hoạt động mua bán của Tuấn chủ yếu là gặp mặt khách hàng trực tiếp và giao nhận bằng việc chép danh sách vào USB lưu trữ dữ liệu rồi trao cho khách hàng và nhận tiền. Với các khách hàng ở xa như Hà Nội thì Tuấn giao dịch qua tài khoản ngân hàng. Theo lời khai nhận của Tuấn tại cơ quan điều tra: lợi nhuận mỗi tháng Tuấn thu được từ việc mua bán các danh sách khoảng 1,5-2 triệu đồng. Trong khoảng thời gian từ tháng 6-2010 đến tháng 12-2011, Tuấn đã thu về khoảng 20 triệu đồng từ việc làm bất hợp pháp này.

Năm 2007, Lê Minh Trung lập ra Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch Mê Linh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) làm về du lịch. Đầu năm 2010, Trung tìm “mua một số danh sách khách hàng để phục vụ công việc mời khách đi tham quan du lịch nhưng thấy việc mua bán thông tin thuận lợi và có nhiều người muốn mua” nên bắt đầu mở rộng sang kinh doanh thông tin cá nhân. Trung bắt đầu tìm kiếm, mua bán và trao đổi các danh sách thông tin cá nhân để bổ sung vào kho “hàng hóa” của mình (trong đó có trao đổi với Dương Hồng Lễ và Hứa Văn Tuấn). Đặc biệt, Trung rất công phu khi chịu khó tải danh sách 120.000 doanh nghiệp trên toàn quốc từ mạng Internet, sau đó phân chia, tách lọc ra thành danh sách theo tỉnh, thành phố để bán cho những người có nhu cầu.

Tính đến thời điểm bị cơ quan công an phát hiện (tháng 12-2011), Trung đang quản lý và sử dụng khoảng 230 danh sách khách hàng thuộc các lĩnh vực như: kinh tế, tài chính, đầu tư, bất động sản. Mỗi danh sách đều có đầy đủ thông tin cá nhân: họ tên, số điện thoại, cơ quan làm việc... Tất cả đều được Trung rao bán trên trang web timkhachhang.com. Tổng số tiền Trung thu về từ việc bán các danh sách trong thời gian trên lên đến 200 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng Trung bán được 10-20 danh sách với giá 300.000-3 triệu đồng/danh sách, thu lợi khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Theo Cục An ninh thông tin - truyền thông, qua công tác đấu tranh các đối tượng trên đã khai nhận việc sử dụng trái phép thông tin của các cá nhân, tổ chức vào mục đích kinh doanh từ đầu năm 2010 đến nay. Tổng số tiền các đối tượng trên thu lợi bất chính hơn 250 triệu đồng. Cơ quan điều tra cho biết những hành vi trên đã vi phạm quyền bí mật đời tư quy định tại điều 38 Bộ luật dân sự và vi phạm khoản 2 điều 39 nghị định 83 của Chính phủ. Theo đó, hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt 30-50 triệu đồng. Hiện cơ quan chức năng đang xem xét và có hướng xử lý.
“Có nhiều trang web kinh doanh hình thức này”
Tại cơ quan điều tra, Dương Hồng Lễ khai nhận vào thời điểm tháng 1-2011 khi báo Tuổi Trẻđăng bài viết về hoạt động mua bán thông tin cá nhân trái phép của Lễ, Lễ đã tạm ngưng hoạt động trang web danhsachkhachhang.com của mình một thời gian để tránh bị nhòm ngó. Đến tháng 7-2011, khi thấy mọi việc có vẻ yên ổn, Lễ đã cho hoạt động lại website trên vì “thấy có nhiều trang web kinh doanh hình thức này nên tôi nghĩ chắc không bị ảnh hưởng gì” - Lễ khai nhận.

Nguồn: http://nhipsongso.tuoitre.vn

Thực ra thì, với sự nở rộ của các mạng xã hội cùng sự phát triển của các diễn đàn và các Search engine mạnh thì việc THU THẬP thông tin cá nhân sẽ dễ dàng nhanh và số lượng lớn . . . . .
Cứ bình thường mà chiến thì ko sao, mang ra BÁN là lắm chuyện ngay :)))


Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Hack Crack] Full SQL inject cheat sheet - DarkGh0st Team

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork 1