[Việt Nam 2012] Công nghiệp hóa ở Việt Nam trong trào lưu khu vực hóa ở Đông Nam Á - Tác giả: Trần Văn Thọ

Mở đầu: Vấn đề công nghiệp hoá Việt Nam nằm ở đâu?

Có thể nói ít nhất trong 15 hoặc 20 năm sắp tới, công nghiệp hoá là trọng điểm của chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Vậy công nghiệp hoá Việt Nam sẽ tiến hành trong một bối cảnh quốc tế như thế nào?

Thương trường của Việt Nam đương mở rộng ra khắp thế giới. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, khuynh hướng nầy sẽ càng mạnh hơn. Tuy nhiên trong giai đoạn trước mắt, thách thức trực tiếp và cũng là cơ hội đối với công nghiệp Việt Nam là ở vùng Đông Á. Tại đây hai trào lưu đang nổi cộm và sẽ tác động đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam, đó là sự biến động trong làn sóng công nghiệp Đông Á và khuynh hướng tự do mậu dịch trong vùng. Hiểu đúng tính chất và tác động của hai trào lưu nầy để định được phương hướng chiến lược cho công nghiệp hoá trong giai đoạn tới là vấn đề tối quan trọng của kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó cũng là chủ đích của bài viết nầy.

Trong phần dưới đây, Tiết 1 sẽ phân tích sự biến động của làn sóng công nghiệp Đông Á, đặc biệt xem sự phân công lao động giữa các nước đã thay đổi ra sao và vị trí của Việt Nam nằm ở đâu trong bản đồ công nghiệp hiện nay tại vùng nầy. Tiết 2 giới thiệu, phân tích trào lưu khu vực hoá, tự do hoá gần đây tại vùng Đông Á, với chủ đích tìm xem công nghiệp hoá Việt Nam sẽ chịu tác động gì trong khi tiến hành tự do mậu dịch với các nước ASEAN trong khuôn khổ AFTA (Khu mậu dịch tự do ASEAN) từ năm 2006 và với Trung Quốc trong khuôn khổ FTA (Hiệp định thương mại tự do) ASEAN-Trung Quốc từ năm 2015. Kết quả phân tích của hai Tiết 1 và 2 sẽ cho thấy bối cảnh khu vực mà Việt Nam sẽ tiến hành công nghiệp hoá trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh đó, lợi thế so sánh của Việt Nam nằm ở đâu và đâu là phương hướng của chiến lược công nghiệp hoá Việt Nam? Tiết 3 sẽ trả lời câu hỏi nầy.

1. Việt Nam trong làn sóng công nghiệp Đông Á: Mô hình đàn sếu bay xưa và nay

1.1 Mô hình đàn sếu bay trước thử thách mới:

Trong mấy thập kỷ qua, phát triển công nghiệp lan tỏa nhanh tại vùng Đông Á, bắt đầu từ Nhật sang Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore (gọi chung là nhóm NIEs) sau đó đến 4 nước ASEAN phát triển trước (Malaixia, Thái Lan, Phi-li-pin và Inđônêxia, dưới đây gọi chung là ASEAN-4) rồi Trung Quốc, v.v.. Hiện tượng nầy được diễn tả bằng mô hình đàn sếu bay (flying-geese development pattern) với các nội dung có thể được tóm tắt như sau:[1] Do vùng Đông Á gồm nhiều nhóm nước có các giai đoạn phát triển khác nhau, một ngành công nghiệp (tạm gọi là ngành A) thường được bắt đầu phát triển tại Nhật, sau đó chuyển sang NIEs rồi ASEAN-4, sau nữa là đến Trung Quốc và tiếp theo có thể là Việt Nam và các nước khác; các nước đi trước sau khi mất lợi thế so sánh trong ngành A đã nỗ lực chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên những ngành có giá trị gia tăng cao với trình độ công nghệ cao hơn (ngành B rồi C, D, v.v… khi B, C,…cũng như A chuyển dần sang các nước khác). Đây là hiện tượng đuổi bắt (catch-up) nhiều tầng trong quá trình công nghiệp hoá ở Đông Á, tạo nên tính năng động của vùng nầy. Yếu tố đưa đến hiện tượng nầy là nỗ lực tích luỹ tư bản, công nghệ tại các nước đi sau và quá trình đó được thúc đẩy bằng đầu tư trực tiếp (FDI) và các hình thái chuyển giao công nghệ khác từ các nước đi trước.

Cho đến đầu thập niên 1990, hầu hết các nhà nghiên cứu kinh tế đều cho rằng việc áp dụng mô hình đàn sếu bay để giải thích sự lan toả của công nghiệp tại vùng Đông Á là có cơ sở. Nhìn toàn cục, ta thấy có sự tiến triển nhanh trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các nước theo hướng công nghiệp hoá, các nước đi sau đuổi theo các nước đi trước, rút ngắn khoảng cách phát triển công nghiệp. Chẳng hạn Hình 1 cho thấy hiện tượng đuổi bắt ấy về phương diện xuất khẩu.[2] Hiện nay tại hầu hết các nước Đông Á, 80% kim ngạch xuất khẩu là hàng công nghiệp (Các nước NIEs, không vẽ trong hình, đã đạt mức gần 100% từ thập niên 1980). Ngay cả tại Inđônêxia, một nước trước đây chuyên xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, tỉ trọng của công nghiệp trong tổng xuất khẩu cũng đã đạt mức 60%.

Khảo sát sự phát triển của từng ngành công nghiệp ta cũng thấy có hiện tượng đuổi bắt tương tự. Chẳng hạn trường hợp ngành dệt may, lợi thế so sánh chuyển từ Nhật sang NIEs vào đầu thập niên 1970, sang ASEAN-4 từ thập niên 1980 và từ cuối thập niên đó chuyển sang Trung Quốc. Một thí dụ khác: Cho đến thập niên 1970 chỉ có Nhật sản xuất TV mầu nhưng ngành nầy bắt đầu phát triển tại Hàn Quốc và Đài Loan từ cuối thập niên 1970 rồi tại Malaixia và Thái Lan từ cuối thập niên 1980, và Trung Quốc trở thành nước sản xuất nhiều nhất thế giới từ nửa sau thập niên 1990. Do quá trình đuổi bắt nầy, lượng sản xuất tại Nhật giảm nhanh và phải nhập khẩu nhiều từ các nước Đông Á (Nhật sản xuất 15 triệu chiếc TV mầu năm 1990 nhưng chỉ còn độ 3 triệu chiếc vào năm 2000, trong thời gian đó nhập khẩu tăng từ 1 đến 9 triệu chiếc).



Tuy nhiên từ cuối thập niên 1990, với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, sự phát triển của công nghệ thông tin, sự rút ngắn nhanh chóng khoảng cách công nghệ giữa các nước, nhiều người đã đặt nghi vấn về tính thuyết phục của mô hình đàn sếu bay.[3] Trong khuôn khổ của bài viết nầy ta không thể bàn chi tiết, chỉ nêu mấy điểm xét ra quan trọng nhìn từ góc độ Việt Nam: Thứ nhất, với quy mô và tốc độ phát triển của Trung Quốc, với vùng tây nam rộng lớn và chưa phát triển của nước nầy, làn sóng công nghiệp có thể sẽ không lan toả tiếp xuống các nước có trình độ phát triển thấp hơn như Việt Nam mà lan rộng trong nội bộ Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc xuất khẩu hầu như tất cả mọi loại hàng công nghiệp, từ các ngành có hàm lượng lao động cao đến các sản phẩm dùng nhiều tư bản và công nghệ cao, gây ra sự bất ổn trong trật tự phân công lao động ở Đông Á; các nước đí sau như Việt Nam khó chen chân vào cơ cấu phân công mới nầy, các nước ASEAN, NIEs và cả nước Nhật cũng bị đứng trước một thách thức lớn.



1.2 Khuynh hướng mới của làn sóng công nghiệp Đông Á

Hai câu hỏi trên sẽ được lần lượt trả lời ở các phần sau. Trước hết, ta thử khảo sát những khuynh hướng, đặc tính của sự phân công lao động hiện nay tại vùng Đông Á. Bức tranh công nghiệp vùng nầy đương nổi cộm mấy đặc tính sau:

Thứ nhất, vùng nầy đang ngày càng trở thành nhà máy sản xuất hàng công nghiệp của thế giới, đặc biệt là các loại máy móc từ đồ điện gia dụng, xe hơi, xe máy, máy chụp hình, v..v.. đến các loại phần cứng của công nghệ thông tin như máy tính cá nhân, điện thoại di động. Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi xem thị phần của các nước nầy trong tổng lượng sản xuất của thế giới. Hiện nay Đông Á sản xuất khoảng 95% máy nghe nhạc DVD, 85% máy tính xách tay, gần 100% ổ đĩa cứng máy tính, 70% máy cát xét (cassette), gần 80% máy phim đèn chiếu (VTR), 80% máy điều hoà không khí, 60% TV màu và 30% xe hơi của thế giới. Nói chung, tại vùng nầy, công nghiệp hoá tiến nhanh và cơ cấu ngày càng hướng vào những ngành có giá trị gia tăng cao.

Thứ hai, do tiền lương và các phí tổn sản xuất giữa các nước không đồng đều, trong khi đó chu kỳ công nghệ của các ngành ngày càng rút ngắn, cơ sở sản xuất chuyển dịch nhanh từ nước nầy sang nước khác. Khi công nghệ vừa được khám phá và triển khai thì cơ sở sản xuất được đặt tại nước có công nghệ hoặc những nơi phong phú nguồn nhân lực có trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật cao. Nhưng khi công nghệ đã được tiêu chuẩn hoá thì cơ sở sản xuất di chuyển đến những nơi mà nhân công lao động thấp, tài nguyên, vật liệu trung gian huy động dễ dàng. Tại Đông Á, ta đã thấy nhà máy trong nhiều ngành công nghiệp đã di chuyển từ Nhật sang các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, rồi sau đó chuyển sang ASEAN và Trung Quốc. Nhiều nước giữ vị trí áp đảo trong một số ngành nào đó nhưng chỉ sau vài năm thị phần giảm nhanh vì các công ty đa quốc gia di chuyển hoặc lập thêm các cơ sở sản xuất tại các nước khác trong vùng. Chẳng hạn, năm 2000 Nhật chiếm 73% thị phần thế giới về máy chụp hình kỹ thuật số (digital camera) nhưng qua năm 2003 thị phần giảm còn 55%. Năm 2000, Đài Loan sản xuất 55% máy tính cá nhân loại nhỏ nhưng sang năm 2003 Trung Quốc trở thành nước sản xuất hàng đầu với thị phần là 35%. Trong thời gian đó, trong ngành VTR, Trung Quốc phải nhường vị trí hàng đầu thế giới cho Inđônêxia. Điểm nầy cho thấy là mô hình đàn sếu bay cũng còn có thể áp dụng để khảo sát làn sóng công nghiệp Đông Á, mặc dù quá trình được rút ngắn hơn so với trước đây.

Thứ ba, sau vài thập niên phát triển, khoảng cách công nghệ giữa các nước trong vùng Đông Á được rút ngắn. Điều này phản ảnh trong hiện tượng các nước ASEAN và Trung Quốc, những nước đi sau trong quá trình công nghiệp hoá, ngày càng giành được sự phân công sản xuất hoặc thực thi những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong toàn bộ chuỗi giá trị (value chain) của từng ngành công nghiệp. Hình 2 biểu diễn chu trình sáng tạo giá trị gia tăng của một ngành công nghiệp. Đặc biệt trong các ngành sản xuất máy móc như máy tính cá nhân, máy giặt, máy chụp hình, v.v.., trước đây các nước ASEAN và Trung Quốc chủ yếu phụ trách công đoạn lắp ráp là công đoạn giá trị gia tăng thấp nhất nhưng bây giờ họ đã leo lên các tầng trên thượng nguồn, đặc biệt là giai đọạn sản xuất bộ phận, linh kiện.

Thứ tư, do khuynh hướng công nghiệp hoá lan rộng và đi vào chiều sâu nói trên, mậu dịch tại Đông Á cũng có mấy chuyển dịch quan trọng:

(1) Như đã đề cập, và minh hoạ trong Hình 1, xuất khẩu của các nước hiện nay chủ yếu là hàng công nghiệp. Trong công nghiệp, các nước Đông Á ngày càng có lợi thế so sánh trong các ngành máy móc như đồ điện gia dụng và công nghệ thông tin. Các loại máy móc nầy đã chiếm trên 60% trong tổng xuất khẩu của Malaysia, 45% của Thái Lan, và 40% của Trung Quốc vào năm 2002. Con số tương ứng của Philipin là 75%, một con số đáng ngạc nhiên. Như sẽ thấy dưới đây, thành quả xuất khẩu của Phi-li-pin rất đáng để ý ở các mặt khác nữa.





(2) Do các nước đồng loạt tiến về thượng nguồn trên chuỗi giá trị (di chuyển từ D lên C và B trong Hình 2), sự phân công trong nội bộ các ngành sản xuất máy móc tiến hành nhanh. Các nước Đông Á vừa xuất và nhập các linh kiện, bộ phận liên quan đến các loại máy móc. Chẳng hạn, vào năm 2002, các bộ phận, linh kiện điện tử và chất bán dẫn có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu tại Hàn Quốc, Singapore, hàng thứ hai tại Nhật Bản và hàng thứ 10 tại Trung Quốc nhưng tại tất cả các nước nầy trên 70% kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng nầy là hướng vào các nước nội vùngĐông Á. Phụ tùng thiết bị cho các loại máy móc dùng ở văn phòng có kim ngạch xuất khẩu hàng thứ tư tại Nhật, thứ sáu tại Hàn Quốc, thứ ba tại Trung Quốc và nhiều nước ASEAN cũng có tỉ lệ xuất khẩu sang Đông Á rất cao. So sánh Biểu 1 và Biểu 2 ta thấy nhiều mặt hàng Trung Quốc và ASEAN xuất khẩu nhiều nhất cũng là những mặt hàng họ nhập khẩu nhiều nhất, và những mặt hàng đó có khuynh hướng xuất và nhập trong nội bộ vùng Đông Á. Ngược lại, những mặt hàng mà các nước nầy chủ yếu là xuất chứ không nhập khẩu (chẳng hạn dụng cụ thể thao, đồ chơi, giầy dép, các loại quần áo, thiết bị thu âm, đồ điện gia dụng, v.v.. ) thì tỉ lệ buôn bán trong vùng thấp (vì chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Âu Mỹ).







3) Vị trí đột xuất của Trung Quốc trên bản đồ ngoại thương Đông Á làm nhiều người lo ngại nhưng phân tích kỹ ta thấy các nước khác vẫn có thể tìm ra lợi thế so sánh mới để duy trì, phát triển một sự phân công lao động với nền kinh tế lớn mạnh nầy. Trong một thời gian dài, kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ cao (trung bình 10%/năm, gần đây 7-8%/năm), chủ yếu là phát triển công nghiệp mà lại ngày càng hướng ngoại (tỉ lệ của xuất khẩu trên GDP tăng từ 7% năm 1980 lên 15% năm 1990 và lên tới gần 30% những năm gần đây). Hiện nay trên 90% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc là hàng công nghiệp (Hình 1), từ năm 2002 Trung Quốc là nước có thị phần lớn nhất trong tổng nhập khẩu của Nhật. Hiện nay Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới. Những sự kiện nầy dễ gây ấn tượng Trung Quốc đã áp đảo các nước khác, và sự thực Trung Quốc đã có gây khó khăn cho một số nước gần với Trung Quốc về trình độ phát triển, về cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc phát triển cũng trở thành thị trường rộng lớn, mang lại cơ hội cho nhiều nước ở Đông Á đẩy mạnh xuất khẩu. Nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng từ 110 tỉ năm 1995 lên tới 561 tỉ USD năm 2004. Và như Biểu 1 đã cho thấy, Trung Quốc vừa xuất và vừa nhập nhiều loại linh kiện hay sản phẩm trung gian và những loại nầy chủ yếu xuất và nhập giữa Trung Quốc với các nước trong vùng Đông Á. Dĩ nhiên thị trường Trung Quốc không phải mang lại cơ hội đồng đều cho các nước ở trong vùng mà cơ hội đó tuỳ thuộc vào năng lực cạnh tranh của các nước. Ta có thể dùng ma trận mậu dịch (trade matrix) để khảo sát vấn đề nầy.



Biểu 3 là ma trận mậu dịch hàng công nghiệp giữa các nước Đông Á (có thêm “Thế giới” để chỉ tổng xuất khẩu của các nước và thêm Mỹ là thị truờng quan trọng của hầu hết các nước Đông Á). Nhìn hàng ngang từ bên trái sang ta biết được kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của từng nước Đông Á sang các nước Đông Á khác và sang Mỹ và thế giới. Hàng trên là kim ngạch xuất khẩu năm 1992, hàng dưới là năm 2002.

Ma trận nầy giúp ta biết được nước nào đã xuất khẩu hàng công nghiệp sang Trung Quốc nhiều nhất và trong khoảng 10 năm qua nước nào đã thành công trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường lớn nầy. Biểu 3 cho thấy Nhật Bản là nước có thị phần lớn nhất (38 tỉ năm 2002), tiếp theo là Hàn Quốc, sau đó là Xin-ga-po. Kết quả nầy không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng đáng ngạc nhiên là tốc độ thâm nhập của Hàn Quốc và nhiều nước ASEAN vào thị trường Trung Quốc từ 1992 đến 2002. Trong thời gian đó Hàn Quốc xuất khẩu hàng công nghiệp sang thế giới tăng gấp đôi nhưng sang Trung Quốc thì tăng gần 10 lần (hiện nay Hàn Quốc chiếm gần 10%, ngang hàng với Mỹ, trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc. Các nước ASEAN cũng chiếm độ 10%, Nhật gần 20%). Trong thời gian đó, Phi-li-pin tăng 15 lần, Thái Lan 24 lần, Malaixia 14 lần (Việt Nam cũng tăng nhiều nhưng xuất phát từ một con số quá nhỏ, sẽ trở lại vấn đề nầy dưới đây).

Như vậy, tuy một mặt đã trở thành nhà máy của thế giới và xuất khẩu nhiều loại hàng công nghiệp, nhưng mặt khác Trung Quốc cũng ngày càng trở thành thị truờng tiêu thụ hàng công nghiệp của các nước khác ở Đông Á. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy tuy đã bắt đầu tiến lên thượng nguồn trên chuỗi giá trị (Hình 1), Trung Quốc vẫn phải tuỳ thuộc vào nhập khẩu nhiều bộ phận, linh kiện và các sản phẩm trung gian khác, nhất là những mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao.[4] Phân tích ở đây cho thấy sự xuất hiện mạnh mẽ của Trung Quốc chưa cản trở sự tiến hành phân công lao động tại vùng Đông Á.

1.3 Vị trí của Việt Nam trong bản đồ công nghiệp Đông Á:

Biểu 4 cho thấy hàng công nghiệp hiện nay chiếm độ 60% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Con số nầy tương đương với Thái Lan vào giữa thập niên 1980. Chủ yếu hàng công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là công nghiệp nhẹ, tập trung vào các ngành may mặc và giày dép (riêng 2 mặt hàng nầy chiếm gần 40% tổng xuất khẩu vào năm 2003). Nhưng phần lớn nguyên vật liệu và sản phẩm trung gian trong các hàng xuất khẩu nầy phải tuỳ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, máy móc các loại chỉ chiếm độ trên dưới 8% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Như đã đề cập, con số tương ứng vào năm 2001 của nhiều nước Đông Á là từ 40 đến 60% (riêng Philipin trên 70%). Ngay cả Inđônêxia từ sau cuộc khủng hoảng tài chánh Á châu (1997) được xem là nước bị bỏ rơi trong quá trình phát triển mạnh mẽ ở Đông Á thì tỉ lệ đó cũng đạt 16%, cao gấp đôi Việt Nam.



Để thấy rõ hơn vị trí của Việt Nam trong làn sóng công nghiệp Đông Á, ta thử khảo sát chỉ số cạnh tranh của từng nước trong một số ngành công nghiệp tiêu biểu.

Nếu gọi X là xuất khẩu và N là nhập khẩu, chỉ số cạnh tranh của một nước trong một ngành công nghiệp nào đó được tính theo công thức sau:

(X-N)/(X+N)

Nếu chủ yếu là nhập khẩu và hầu như không xuất khẩu, chỉ số cạnh tranh sẽ bằng -1 (trừ 1). Đây là trường hợp nước nầy hoàn toàn không (hoặc chưa) có lợi thế so sánh trong ngành đương phân tích nên nhu cầu trong nước hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Ngược lại nếu hầu như chỉ xuất khẩu và không nhập khẩu thì chỉ số cạnh tranh là 1. Đây là trường hợp ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, có sức cạnh tranh áp đảo hàng nhập. Một trường hợp đặc biệt nữa là chỉ số cạnh tranh bằng zero khi xuất và nhập hầu như bằng nhau. Trường hợp nầy có hai khả năng: Nếu kim ngạch xuất và nhập rất nhỏ, đó là hiện tượng ngành công nghiệp đã qua giai đoạn thay thế nhập khẩu và bắt đầu chuyển sang giai đoạn xuất khẩu. Nếu kim ngạch xuất và nhập khá lớn thì đó là hiện tượng của sự phân công trong nội bộ một ngành công nghiệp (intra-industry division of labor) như ta đã thấy ở Biểu 1 và Biểu 2.

Trong mô hình đàn sếu bay, chỉ số cạnh tranh của một nước trong một ngành công nghiệp thường bắt đầu bằng trừ 1 tiến dần đến zero (quá trình thay thế nhập khẩu) sau đó tiến về trị số 1 (từ thay thế nhập khẩu sang xuất khẩu).[5]

Từ khảo sát sự thay đổi trong chỉ số cạnh tranh của một số ngành công nghiệp chủ yếu, vị trí của Việt Nam trong làn sóng công nghiệp Đông Á có thể được tóm tắt như sau:

Hình 3 cho thấy trong ngành dệt (textiles) Việt Nam phải nhập khẩu nhiều, chỉ số cạnh tranh rất thấp (trừ 0,7 vào năm 2002), trong khi đó, trừ Phi-li-pin, hầu hết các nước ASEAN đều xuất siêu ở mức cao. Điều nầy khẳng định lại nhận xét trên kia liên quan đến Biểu 3 là tuy ngành dệt may là hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, phần lớn sản phẩm trung gian phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Các công ty thuơng mại hoặc thời trang của các nước tiên tiến nhập vải chất lượng cao vào Việt Nam, vẽ mẫu và đặt may gia công, sau đó xuất khẩu thành phẩm là quần áo. Áp dụng vào sơ đồ về chuỗi giá trị ở Hình 2, vị trí của Việt Nam chủ yếu ở khâu gia công, lắp ráp, còn những giai đoạn có giá trị gia tăng cao (thượng nguồn và hạ nguồn) phụ thuộc vào nước ngoài.





Chỉ số cạnh tranh trong ngành linh kiện, bộ phận máy tính (Hình 4) hoặc trong ngành máy móc thiết bị điện tử (Hình 5) cho thấy Việt Nam mấy năm gần đây có cải thiện vị trí cạnh tranh nhưng vẫn nhập siêu nhiều (chỉ số còn rất thấp, trừ 0,6), trong khi đó hầu hết các nước ASEAN khác và Trung Quốc thì ở vị trí xuất siêu cao. Ngành xe hơi, xe vận tải (Hình 6) và ngành linh kiện, bộ phận xe hơi (Hình 7) thì Việt Nam hầu như chỉ nhập khẩu (chỉ số cạnh tranh gần trừ 1). Đa số các nước ASEAN khác hoặc Trung Quốc cũng còn nhập siêu nhưng kim ngạch nhập siêu giảm nhanh, chỉ số tiến gần đến zero và sắp chuyển sang số dương.

Về quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam với các nước lân cận, Việt Nam nhập siêu nhiều với Trung Quốc và với hầu hết các nước ASEAN. Năm 2003, Việt Nam nhập siêu 5 tỉ USD nhưng riêng với các nước Đông Á nhập siêu lên tới gần 8 tỉ USD trong đó với Trung Quốc 1,4 tỉ và ASEAN 3 tỉ. Như sẽ thấy dưới đây, về cơ cấu mậu dịch, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng công nghiệp và xuất khẩu nguyên liệu và nông sản phẩm, một cơ cấu hàng dọc thường thấy giữa một nước có trình độ phát triển thấp với các nước tiên tiến.





Phân tích ở trên cho thấy Việt Nam đi sau khá xa các nước chung quanh về trình độ phát triển công nghiệp, thể hiện trong sự cách biệt về tỉ lệ hàng công nghiệp, đặc biệt là tỉ lệ sản phẩm máy móc các loại trong tổng xuất khẩu, trong chỉ số cạnh tranh của những ngành công nghiệp chủ yếu, trong cơ cấu phân công hàng dọc giữa Việt Nam với các nước nầy, và Việt Nam phải nhập siêu nhiều với các nước đó. Không kể một số nước mới gia nhập ASEAN (Lào, Kampuchia và Myanmar), Việt Nam là nước đi sau cùng trong quá trình công nghiệp hoá ở vùng Đông Á. Nhưng chiến lược đuổi bắt của Việt Nam trong quá trình đó đương trực diện một thách thức lớn: Phải sớm tiến hành tự do hoá mậu dịch với các nước ở Đông Á.





2. Trào lưu khu vực hoá ở Đông Á: Việt Nam truớc thách thức tự do mậu dịch

Việt Nam nằm gần kề Trung Quốc và ASEAN-4, sự gần kề không phải chỉ trên phương diện địa lý mà về giai đoạn phát triển, về vị trí trong làn sóng công nghiệp ở vùng nầy. Ngoài ra, Việt Nam trước mắt phải tiến hành tự do hoá mậu dịch với các nước lân cận nầy. Thách thức gì đến với Việt Nam từ trào lưu tự do mậu dịch nầy?

2.1 Thách thức AFTA:

Chỉ còn độ một năm nữa Việt Nam sẽ gần như hoàn tất nghĩa vụ cắt giảm thuế trong khuôn khổ thực hiện khu mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Các doanh nghiệp trong khu vực sẽ trực diện một thị trường rộng lớn và sẽ tự do chọn môi trường đầu tư tại những nước mà sản xuất có hiệu suất nhất. Đặc biệt các công ty đa quốc gia sẽ tái cấu trúc các cứ điểm sản xuất, bỏ hoặc thu hẹp những cứ điểm mà cho đến nay họ chọn đầu tư chủ yếu vì được bảo hộ bằng quan thuế.

So với các nước ASEAN đi trước, Việt Nam đi sau trong hầu hết các ngành công nghiệp, và quy mô sản xuất rất nhỏ nên sức cạnh tranh yếu. Nếu không thay đổi được tình hình thì khả năng nắm bắt cơ hội do AFTA mang lại rất nhỏ, nguợc lại thách thức của AFTA sẽ rất lớn. Hiện nay, như đã đề cập, quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và các nước ASEAN đi truớc là quan hệ hàng dọc, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng công nghiệp và xuất khẩu hàng sơ chế và nguyên liệu sang các nước ASEAN. Việt Nam và Thái Lan có cơ cấu tài nguyên thiên nhiên gần giống nhau nên quan hệ mậu dịch giữa hai nước là quan hệ hàng ngang (Việt Nam vừa nhập và xuất hàng công nghiệp). Tuy nhiên do sức cạnh tranh của Việt Nam yếu nên kim ngạch nhập siêu với Thái khá cao (năm 2001, Thái xuất sang Việt Nam gần 800 triệu USD nhưng chỉ nhập từ Việt Nam 325 triệu USD).

Để hiểu rõ hơn thách thức của AFTA, ta thử chọn một ngành tiêu biểu và phân tích sâu hơn: ngành điện và điện tử gia dụng.

Vùng Đông Á đang trở thành cứ điểm sản xuất lớn nhất thế giới trong nhiều loại hàng đồ điện, điện tử gia dụng (Biểu 5). Các nước trong vùng nầy vào năm 2003 sản xuất 82% sản lượng thế giới về máy điều hoà không khí, 55% về máy giặt, 52% về tủ lạnh, 56% về máy hút bụi; năm 2004 sản xuất 105 triệu chiếc TV mầu (70% sản lượng thế giới), 93 triệu chiếc máy thu và phát hình (90%). Độ 25 năm trở về trước, tại vùng Đông Á, các mặt hàng nầy hầu hết chỉ sản xuất tại Nhật nhưng sau đó cứ điểm sản xuất chuyển nhanh sang Hàn Quốc, Đài Loan, sau đó sang các nước ASEAN, chủ yếu là Malaixia và Thái Lan, rồi đến Trung Quốc. Công nghệ trong lãnh vực nầy dễ chuyển giao nên cứ điểm sản xuất chuyển dần sang những nơi nhân công rẻ và các phí tổn khác cũng thấp do chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI) của các nước. Hiện nay Nhật chỉ sản xuất các loại cao cấp còn lại thì nhập khẩu từ các cứ điểm sản xuất của xí nghiệp Nhật hoạt động tại ASEAN và Trung Quốc.



Hiện nay, ngoài Nhật Bản, bốn nước sản xuất nhiều đồ điện gia dụng và có thị phần đáng kể là Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaixia và Thái Lan. Thái Lan là một trong hai cứ điểm sản xuất quan trọng nhất tại ASEAN, đứng đầu nhóm nước nầy trong các mặt hàng như máy giặt, tủ lạnh, máy điều hoà không khí, và đứng thứ hai trong những mặt hàng khác. Malaixia đứng đầu ASEAN về TV mầu, máy hút bụi, máy thu và phát hình (VTR/DVD), cassettes. Thái Lan và Malaixia chiếm được vị trí quan trọng hiện nay là nhờ họ đã có chính sách khôn ngoan đón được dòng thác FDI từ Nhật sau khi đồng yen lên giá đột ngột vào cuối năm 1985.

Vấn đề quan trọng hiện nay là sau khi AFTA thực hiện hoàn toàn, cơ cấu sản xuất giữa các nước ASEAN sẽ thay đổi ra sao? Giữa những nước sản xuất lớn như Thái Lan và Malaysia, thuế quan không cao vì các nước nầy ngay từ khi bắt đầu phát triển các ngành nầy đã theo chiến lược hướng vào xuất khẩu, hàng sản xuất ra đã có sức cạnh tranh quốc tế nên ít cần bảo hộ. Do đó, giữa Thái Lan và Malaysia, sẽ ít có truờng hợp chuyển dịch các cứ điểm sản xuất đã có. Trên thực tế thì những nước nầy đã thực hiện xong chương trình AFTA từ năm 2003 và cho đến nay chưa thấy có sự chuyển dịch đó trong ngành nầy. Nhưng vấn đề sẽ khác hẵn khi bàn đến vị trí cuả Việt Nam trong đó công nghiệp đồ điện gia dụng còn non trẻ và chủ yếu sản xuất thay thế nhập khẩu.

Các ngành điện, điện tử gia dụng bắt đầu phát triển tại Việt Nam vào giữa thập niên 1990. Phần lớn do các công ty Nhật như Sanyo, Toshiba, Hitachi, Matsushita, Sony và JVC, và công ty LG của Hàn Quốc đầu tư sản xuất thay thế nhập khẩu. Trong một thời gian dài, cho đến giữa năm 2003, thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc là 50%, từ tháng 7/2003 giảm xuống còn 20%, những mức thuế đủ để bảo hộ thị truờng trong nước trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, như Biểu 5 cho thấy, vì chỉ cung cấp cho thị trường nội địa, một thị trường còn nhỏ, nên quy mô sản xuất quá nhỏ, chỉ bằng trên dưới 10%, có loại chỉ bằng 2-3%, sản lượng của Thái Lan. Ngoài quy mô sản xuất nhỏ, các công ty lắp ráp đồ điện gia dụng ở Việt Nam còn gặp một khó khăn lớn là công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận mà thuế nhập khẩu của các sản phẩm trung gian, phụ trợ nầy lại rất cao. Hiện nay thuế nhập khẩu các loại nầy phần lớn lên tới 50%, thấp nhất cũng 15%. Từ năm 2006, theo chương trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ AFTA, thuế nhập khẩu đánh trên các loại linh kiện, bộ phận nhập từ các nước ASEAN sẽ giảm xuống còn 5%, nhưng các công ty lắp ráp tại Việt Nam đang và sẽ phải tiếp tục nhập khẩu nhiều loại linh kiện, bộ phận từ Nhật và các nước khác ngoài ASEAN vì ASEAN chưa thể cung cấp toàn bộ các loại linh kiện, bộ phận với phẩm chất và giá thành tương đương với Nhật hoặc các nước khác.

Như vậy các công ty lắp ráp đồ điện, điện tử gia dụng một mặt phải tiếp tục nhập khẩu linh kiện, bộ phận với phí tổn cao vì thuế quan cao nhưng mặt khác phải cạnh tranh với sản phẩm nguyên chiếc giá rẻ (vì thuế quan giảm xuống dưới 5%) nhập khẩu từ ASEAN mà chủ yếu là từ Thái Lan.

Như vậy chính sách vừa gĩư mức thuế quan cao đối với linh kiện, bộ phận nhưng vừa cho tự do nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc trong khuôn khổ AFTA đương đặt ngành điện, điện tử gia dụng của Việt Nam trước một thách thức rất lớn: Các công ty đa quốc gia có thể sẽ phải đóng cửa nhà máy tại Việt Nam, chuyển năng lực sản xuất sang Thái Lan nơi có quy mô sản xuất lớn và các ngành công nghiệp phụ trợ đã phát triển (Phần lớn những công ty đang sản xuất đồ điện gia dụng tại Việt Nam cũng là những công ty sản xuất quy mô lớn tại Thái Lan).

Những ngành công nghiệp khác, đặc biệt là những ngành sản xuất các loại máy móc, cũng gặp những khó khăn tương tự như ngành điện, điện tử gia dụng. Thách thức AFTA quá lớn, chúng ta không còn thời gian, cần chuyển chính sách, chiến lược theo hướng nào? Ta sẽ trở lại vấn đề nầy ở Tiết 3.

2.1 Thách thức từ Hiệp định tự do mậu dịch Trung Quốc-ASEAN

Trung Quốc và 10 nước ASEAN qua các Hội nghị thượng đỉnh ở Brunei (2001), Pnom Penh (2002), Bali (2003) và Vientiane (2004) đã lần lượt thoả thuận các bước chuẩn bị để cuối cùng đi đến ký kết các hiệp ước liên quan đến Hiệp định mậu dịch tự do (FTA), một cơ cấu hợp tác kinh tế lôi cuốn sự quan tâm của thế giới từ 3 năm nay khi Trung Quốc đưa ra đề án và được các nước ASEAN hưởng ứng.

Nội dung chính của FTA Trung Quốc ASEAN là chương trình cắt giảm thuế quan để mở rộng mậu dịch, trong đó các nhóm mặt hàng được chia làm 2 loại, loại thông thường (normal track) và loại nhạy cảm (sensitive track). Trong loại thông thường, Trung Quốc và các nước thành viên cũ bắt đầu cắt giảm thuế từ tháng 1/2005 và bãi bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2010, các nước thành viên mới trong đó có Việt Nam thì mục tiêu bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2015. Chi tiết cụ thể về loại nhạy cảm chưa được xác định, hai bên sẽ thương lượng trong thời gian tới.

Chương trình Thu hoạch sớm thực hiện cắt giảm thuế từ 2004 đến 2006 đối với các thành viên cũ của ASEAN và từ 2004 đến 2008 đối với Việt Nam. Vì bài viết nầy chỉ bàn về công nghiệp nên ta không đi vào chi tiết của chương trình nầy.[6]

Hiệu quả của FTA đối với Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN tùy thuộc vào cơ cấu mậu dịch hiện tại và mức thuế quan hiện hành của từng nước. Đó là hiệu quả tĩnh (static). Hiệu quả động (dynamic) tuỳ thuộc vào chính sách, chiến lược của từng nước nhằm thay đổi cơ cấu mậu dịch hiện tại để tận dụng các cơ hội do FTA mang lại. Dưới đây sẽ chủ yếu bàn về hiệu quả đối với Việt Nam trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc.

Dựa trên thống kê của Liên Hiệp Quốc, ta thử phân tích cơ cấu mậu dịch của Trung Quốc đối với các nước ASEAN. Trung Quốc xuất khẩu sang 10 nước ASEAN năm 1996 là 10 tỉ và năm 2002 là 24 tỉ USD, và nhập khẩu từ các nước nầy vào năm 1996 gần 11 tỉ, và năm 2002 là 31 tỉ USD. Như Biểu 6 cho thấy, trong ASEAN, Singapore và Malaysia là những bạn hàng lớn của Trung Quốc, riêng hai nước nầy chiếm độ 50% tổng kim ngạch mậu dịch của cả khối ASEAN với Trung Quốc. Nhưng ở đây ta thử so sánh Việt Nam với Phi-li-pin và Thái Lan là những nước có cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển tương đối gần Việt Nam. So sánh hai nước nầy với Việt Nam trong quan hệ ngoại thương với Trung Quốc, ta thấy vị trí của Việt Nam hiện nay đang bất lợi (xem Biểu 5). Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang 3 nước Việt Nam, Phi-li-pin và Thái Lan hầu như bằng nhau, nhưng nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam rất ít trong khi Phi-li-pin và Thái Lan đang tiến mạnh mẽ vào thị truờng to lớn nầy. Việt Nam đang nhập siêu nhiều với Trung Quốc, trong khi Thái Lan và Phi-li-pin đều xuất siêu ở mức cao.





Thứ hai, phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN là hàng công nghiệp; hai nước Phi-li-pin và Thái Lan từ 1996 đến 2002 cũng thành công trong chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, như Biểu 7 cho thấy, tỉ lệ hàng công nghiệp trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam hiện nay chỉ hơn 10% (các loại khoáng sản như dầu thô, than đá chiếm độ 70% và nông sản gần 20%). Như vậy quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc có đặc tính là sự phân công hàng dọc trong khi các nước ASEAN khác triển khai phân công hàng ngang với thị truờng lớn nầy. Đáng chú ý là thành quả của Phi-li-pin: Năm 1996 kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc không hơn Việt Nam nhiều nhưng cho đến năm 2002 họ đã tăng 8,6 lần và tăng tỉ trọng hàng công nghiệp lên đến trên 90%.



Về hàng công nghiệp, mức thuế tại các nước thành viên cũ của ASEAN tương đối thấp, thuế ở Trung Quốc cao hơn. Với năng lực cung cấp hiện nay và kế hoạch tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để mở rộng sản xuất, các nước Thái Lan, Malaixia, Phi-li-pin,… có triển vọng sẽ tăng xuất khẩu hàng công nghiệp sang Trung Quốc hơn nữa khi thuế suất giảm dần trong khuôn khổ FTA. Hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân công hàng ngang trong ngoại thương. Riêng truờng hợp Việt Nam, hiện nay thuế quan của nhiều mặt hàng công nghiệp đương rất cao mà hàng Trung Quốc vẫn thâm nhập vào được nên có thể dự đoán được rằng khi thuế quan được tiến hành cắt giảm trong khuôn khổ FTA, hàng công nghiệp Trung Quốc sẽ ào ạt vào thị trường Việt Nam nếu khả năng cạnh tranh của Việt Nam không thay đổi. Như vậy quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Mặt khác, thị truờng Trung Quốc sẽ rộng mở hơn nhưng với năng lực cung cấp hiện nay Việt Nam khó có thể tận dụng cơ hội do FTA với Trung Quốc mang lại.

Hiệu quả tĩnh của FTA đối với Việt Nam như vậy là đáng lo. Con đường duy nhất để khắc phục hiệu quả nầy là chủ động tạo ra một sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu ngoại thương với Trung Quốc để làm phát sinh hiệu quả động của FTA bằng cách tận dụng được cơ hội do FTA với Trung Quốc mang lại. Việt Nam sẽ hoàn toàn bãi bỏ hàng rào quan thuế đối với hàng công nghiệp Trung Quốc từ năm 2015 nhưng trước đó đã phải giảm đáng kể mức thuế quan. Do đó, thách thức sẽ đến trong 5,6 năm tới. Thời gian không còn nhiều. Việt Nam phải có chiến lược gì để đối phó với thách thức nầy?

3. Phương hướng chiến lược nào cho Việt Nam?

Để đối phó với thách thức từ AFTA và Trung Quốc, Việt Nam cần nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của một loạt nhiều ngành công nghiệp xét ra có lợi thế so sánh để chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước ASEAN. Như vậy có hai câu hỏi cần trả lời: Một là, Việt Nam có lợi thế so sánh trong những ngành nào? Hai là, làm sao để nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của những ngành đó?

3.1 Lợi thế so sánh tĩnh và động của Việt Nam

Lợi thế so sánh tĩnh (static comparative advantage) là lợi thế có ngay bây giờ, có ngành đã được phát huy, cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế nhưng cũng có ngành chưa được phát huy do môi trường hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Lợi thế so sánh động (dynamic comparative advantage) là lợi thế tiềm năng sẽ xuất hiện trong tương lai gần hay xa khi các điều kiện về công nghệ, về nguồn nhân lực và khả năng tích luỹ tư bản cho phép. Nếu có chính sách tích cực theo hướng tạo ra nhanh các điều kiện đó sẽ làm cho lợi thế so sánh động sớm chuyển thành sức cạnh tranh hiện thực.

Để dễ phân tích, ta có thể chia các ngành công nghiệp thành 5 nhóm:

Nhóm A: Những ngành có hàm lượng lao động cao, chủ yếu là lao động giản đơn, như vải vóc, quần áo, giày dép, dụng cụ lữ hành, dụng cụ du lịch, v.v...

Nhóm B: Những ngành vừa có hàm lượng lao động cao vừa dùng nhiều nguyên liệu nông lâm thuỷ sản như thực phẩm gia công các loại, đồ uống, v.v..

Nhóm C: Những ngành có hàm lượng tư bản cao và dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản như thép, hoá dầu.

Nhóm D: Những ngành có hàm lượng lao động cao, chủ yếu là lao động lành nghề, lao động có kỹ năng cao với nhiều trình độ khác nhau, như đồ điện gia dụng, xe máy, máy bom nước và các loại máy móc khác, bộ phận điện tử, linh kiện điện tử, v.v..

Nhóm E: Những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như máy tính, xe hơi, máy công cụ, các linh kiện, bộ phận điện tử cao cấp, v.v...

Trên thị truờng thế giới, Trung Quốc đương cạnh tranh mạnh trong nhóm A và các sản phẩm lắp ráp trong nhóm D. Thái Lan và các nước ASEAN đi trước (ASEAN-4) có lợi thế trong nhóm B và các sản phẩm lắp ráp trong nhóm D. Cả Trung Quốc và ASEAN-4 đang tiến lên khá cao ở thượng nguồn của chuỗi giá trị trong các ngành thuộc nhóm D. Nhật và NIEs còn duy trì lợi thế so sánh trong nhóm E nhưng tăng cường mạng lưới sản xuất khắp cả vùng Đông Á, do đó Trung Quốc và các nước ASEAN cũng tham gia ngày càng sâu vào các ngành trong nhóm E. Nói chung các nhóm D và E gồm những ngành liên quan đến các loại máy móc, và như đã phân tích ở Tiết 1, đang ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong sự phân công ở khu vực Đông Á.

Nhóm A và nhóm B là những ngành Việt Nam đang có lợi thế so sánh. Nhưng trong hai ngành chủ lực là may mặc và giày dép, hiện nay Việt Nam mới tập trung trong công đoạn gia công (trong giai đoạn D của Hình 2) và chủ yếu dựa vào lao động giản đơn. Các giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài. Việt Nam cần nỗ lực nội địa hoá các công đoạn có giá trị tính thêm cao. Nhưng dù sao các ngành nầy vẫn là nhóm thuộc các ngành Việt Nam có lợi thế so sánh tĩnh, nghĩa là những ngành đã và hiện đang có sức cạnh tranh.

Vấn đề quan trọng hơn là Việt Nam phải xác định được những lãnh vực mà nhu cầu thế giới đang tăng đồng thời xét ra Việt Nam có lợi thế so sánh động sẽ làm chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu trong tương lai không xa. Vấn đề khẩn cấp đối với Việt Nam hiện nay là xác định được những ngành hội đủ hai điều kiện nầy và từ đó đưa ra các chính sách tạo ra các tiền đề, các điều kiện để tiềm năng biến thành hiện thực.

Tôi cho rằng các ngành thuộc nhóm D và một phần trong nhóm E, đặc biệt là đồ điện gia dụng và máy móc liên quan công nghệ thông tin như máy tính cá nhân, điện thoại di động là những ngành có đủ hai điều kiện nêu trên.

Trước hết là về nhu cầu thế giới. Đồ điện gia dụng, máy tính, điện thoại di động đều là những mặt hàng có đàn tính thu nhập cao (thu nhập tăng có khuynh hướng làm cho nhu cầu các mặt hàng đó tăng cao). Mức độ phổ cập tại Á châu tăng nhanh nhưng còn thấp cho thấy tiềm năng về nhu cầu ở vùng nầy rất lớn. Chẳng hạn, từ năm 2001 đến 2002, độ phổ cập của máy tính cá nhân (số chiếc đang sử dụng trên 100 người dân) tại Đài Loan tăng từ 25% đến 40%, tại Thái từ 3% đến 4%, Trung Quốc và Phi-li-pin từ 2 đến 3%. Về điện thoại di động, độ phổ cập năm 2002 tại Hàn Quốc là 68%, Malaixia 38%, Thái Lan 26%, Phi-li-pin 19% và Trung Quốc 16%. Về đồ điện gia dụng, thống kê năm 1999 cho thấy Đài Loan, Hàn Quốc, và Malaixia mọi gia đình đã có tủ lạnh nhưng tại Thái mới có 68%, Phi-li-pin 37%, Inđônêxia 24% và Trung Quốc 6%. Về máy giặt, Trung Quốc mới có 2% gia đình có phương tiện nầy và con số đó cũng chỉ từ 5-8% tại các nước ASEAN (trừ Singapore và Malaixia). Thống kê mới hơn sẽ cho thấy độ phổ cập tại các nước cao hơn nhưng rõ ràng là dư địa để nhu cầu tăng còn rất lớn tại Á châu. Tại Nhật và các nước Âu Mỹ độ phổ cập đã đạt 100% nhưng sẽ có nhu cầu thay thế sản phẩm cũ và các thị truờng nầy đều lớn. Nhu cầu thế giới do đó sẽ tiếp tục lớn mạnh.

Vấn đề thứ hai là Việt Nam có lợi thế so sánh động trong những ngành nầy không. Có hai cách tiếp cận bổ sung nhau để trả lời câu hỏi nầy. Thứ nhất, ta thử xem trong quá khứ những nước có trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay đã bước vào giai đoạn phát triển các ngành nầy chưa. Nhiều ngành sản xuất các loại máy móc, nhất là các ngành đồ điện gia dụng đã bắt đầu phát triển nhộn nhịp tại Thái Lan từ khoảng hai mươi năm truớc[7] và tại Trung Quốc khoảng 10 năm trước cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng đẩy mạnh phát triển các ngành nầy vào giai đoạn hiện nay. Thứ hai, và quan trọng hơn, là xem các công ty đa quốc gia trong lãnh vực nầy đang đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam ra sao và hiện nay các dự án họ đang triển khai có đặc tính gì. Về điểm nầy, ta thử khảo sát động hướng gần đây của các công ty Nhật Bản.

Theo điều tra vào cuối năm 2004 của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) về phương hướng lựa chọn môi trường đầu tư của các công ty lớn sản xuất hàng công nghiệp của Nhật (Murakami et al 2005), Việt Nam được xếp thứ tư trong những nước được đánh giá cao. Đặc biệt nếu lấy riêng các câu trả lời của các công ty ngành điện và điện tử thì Việt Nam xếp thứ ba. Điều tra thực tế của tôi tại các khu công nghiệp Thăng Long, Biên Hoà, Bình Dương và Khu chế xuất Tân Thuận trong mấy năm qua cũng cho thấy những công ty Nhật trong ngành điện, điện tử có kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam đều đánh giá cao chất lượng lao động của ta; họ cho rằng về sự lãnh hội các tri thức cơ bản và cách thao tác máy móc trong ngành nầy, lao động Việt Nam bằng hoặc hơn nhiều nước chung quanh. Phân tích động hướng đầu tư của Nhật tại Việt Nam gần đây cũng cho thấy rằng một khi khởi động phát triển các ngành nầy, Việt Nam không chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp trong chuỗi giá trị ở Hình 2 mà còn có thể tiến thẳng vào giai đoạn có giá trị gia tăng cao hơn. Nội dung đầu tư của công ty Denso (một thành viên trong tập đoàn Toyota) hay công ty Nissan Techno tại Khu công nghiệp Thăng Long cho thấy Nhật đã đưa sang Việt Nam công đoạn thiết kế là công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị vì đánh giá cao tiềm năng nguồn nhân lực có trình độ cao của lao động Việt Nam. Tại Thành phố HCM và các vùng phụ cận, mới trong vòng 2 năm nay Nhật đã đầu tư ít nhất là 60 vụ trong ngành công nghệ thông tin mà nội dung chủ yếu là ở khâu thiết kế.

Như vậy phương hướng chiến lược của công nghiệp Việt Nam đã khá rõ. Vấn đề là phải đưa ra được chính sách, chiến lược cụ thể để đón đầu dòng thác công nghiệp ở Đông Á, tạo ra một sự chuyển dịch mạnh mẽ cho cơ cấu công nghiệp Việt Nam, phát huy tiềm năng để hội nhập có hiệu quả vào trào lưu tự do hoá thương mại ở khu vực nầy.

3.2. Chiến lược, biện pháp nào?

Làm sao để có thể tham gia mạnh mẽ vào sự phân công ở Đông Á trong các ngành sản xuất các loại máy móc thuộc 2 nhóm D và E? Ở đây ta không có điều kiện đi sâu vào vấn đề nầy nhưng từ phân tích thực trạng của Việt Nam có thể tóm tắt 3 điểm liên quan đến chiến lược, biện pháp như sau:

Thứ nhất, cần chuyển từ chiến lược, chính sách thay thế nhập khẩu sang chiến lước xúc tiến xuất khẩu. Hầu hết các ngành thuộc 2 nhóm D và E đều đang sản xuất tại Việt Nam nhưng có một đặc tính chung là sản xuất chủ yếu cho thị trường nội địa, được bảo hộ bằng quan thuế ở cả sản phẩm cuối cùng và sản phẩm trung gian như bộ phận, linh kiện. Chính sách đánh thuế cao trên linh kiện, bộ phận để tăng tỉ lệ nội địa hoá nhưng chính sách nầy làm tăng gía thành sản phẩm lắp ráp, sản phẩm nầy do đó phải được bảo hộ trong thị truờng nội địa. Hơn nữa, chỉ sản xuất cho thị truờng nội địa nên quy mô sản xuất quá nhỏ (xem lại Biểu 5 về ngành điện, điện tử gia dụng), không phát huy tính qui mô kinh tế (economies of scale) càng làm cho giá thành tăng. Đó là cái vòng lẩn quẩn cản trở sức cạnh tranh. Trong quá khứ, nhiều nước Á châu cũng theo chính sách nầy nhưng phải tốn nhiều năm (đợi cho thị trường trong nước lớn mạnh) mới có sức cạnh tranh và chuyển sang xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam bây giờ không thể theo chiến lược nầy vì phải giảm thuế trong các chương trình tự do hoá mậu dịch, trước mắt là với ASEAN và sau nầy với Trung Quốc.

Như vậy chính sách vừa gĩư mức thuế quan cao đối với linh kiện, bộ phận nhưng vừa cho tự do nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc trong khuôn khổ AFTA đương đặt các ngành điện, điện tử gia dụng và các ngành máy móc khác của Việt Nam trước một thách thức rất lớn là không thể cạnh tranh được với hàng nhập từ ASEAN và Trung Quốc, và do đó nhiều công ty đa quốc gia có thể sẽ phải đóng cửa nhà máy tại Việt Nam, chuyển năng lực sản xuất sang Thái Lan và các nước có quy mô sản xuất lớn với các ngành công nghiệp phụ trợ đã phát triển (Phần lớn những công ty đang sản xuất đồ điện gia dụng, xe hơi, v.v..tại Việt Nam cũng là những công ty sản xuất quy mô lớn tại Thái Lan). Để tránh trường hợp nầy, chính phủ nên khẩn cấp bỏ chính sách thuế quan cao đối với linh kiện, bộ phận để giảm giá thành lắp ráp sản phẩm nguyên chiếc và giữ chân các công ty đa quốc gia. Như đã đề cập ở trên, các công ty của Nhật đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam, và theo tính toán của những công ty đã đầu tư tại nước ta trong ngành điện điện tử gia dụng, nếu vấn đề linh kiện, bộ phận được giải quyết, các sản phẩm nguyên chiếc của Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Nhật và các thị trường lớn khác, và dưới thể chế AFTA có thể xuất khẩu sang nhiều nước ASEAN. Trong trường hợp đó, quy mô sản xuất sẽ mở rộng nhanh chóng, kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ.

Để xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, trong quá khứ cũng có nhiều nước đã áp dụng biện pháp nâng cao thuế suất linh kiện nhập khẩu nhưng phải đồng thời bảo hộ sản phẩm nguyên chiếc. Việt Nam ngày nay không thể bảo hộ sản phẩm nguyên chiếc thì phải theo một chiến lược khác. Chính sách tối ưu hiện nay là phải nhanh chóng tăng năng lực cạnh tranh để xuất khẩu được sản phẩm nguyên chiếc, từ đó quy mô sản xuất trong nước tăng nhanh, tạo điều kiện để các công ty cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ đầu tư lớn. Thật ra nếu nhà nước có tín hiệu về sự thay đổi chính sách theo hướng đó thì công ty nước ngoài có thể sẽ đầu tư để xây dựng các cụm công nghiệp ngay từ bây giờ. Các loại máy móc gồm nhiều công đoạn nên thường có sự phân công hàng ngang giữa các nước trong việc sản xuất và cung cấp lẫn nhau các linh kiện, bộ phận. Tuy nhiên, công nghệ của nhiều loại trong nhóm D tương đối đã tiêu chuẩn hoá và ít sai biệt về độ sâu lao động hay tư bản. Do đó, xí nghiệp có khuynh hướng nội địa hoá linh kiện, bộ phận khi lượng sản xuất đạt quy mô kinh tế. Thêm vào đó, khi sản phẩm nguyên chiếc sản xuất cả cho thị trường thế giới thì các công ty lắp ráp phải thường xuyên thay đổi cơ năng, mẫu mã, kiểu dáng của sản phẩm. Điều nầy buộc họ phải luôn bảo đảm một sự cơ động, nhu nhuyến trong việc tổ chức quản lý dây chuyền cung cấp (supply chain management) của các sản phẩm phụ trợ và do đó phải tăng tỉ lệ nội địa hoá, chủ động tham gia xây dựng các cụm công nghiệp.

Thứ hai, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn nữa. FDI là biện pháp hữu hiệu, là con đường ngắn nhất để tăng sức cạnh tranh. Thay đổi chính sách theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu và tự do hoá nhập khẩu sản phẩm trung gian như đã nói ở trên sẽ thu hút FDI dễ dàng. Ngoài ra, vì các ngành thuộc 2 nhóm D và E được triển khai thành mạng lưới sản xuất toàn khu vực Đông Á, để tham gia hiệu quả vào sự phân công nầy, Việt Nam phải trở thành những cứ điểm sản xuất và lưu thông có hiệu suất mới hấp dẫn các công ty đa quốc gia. Cứ điểm sản xuất và lưu thông có hiệu suất là nơi bảo đảm sản xuất một sản phẩm với giá thành (cost) rẻ (nhờ phí tổn lao động, phí tổn đầu nhập rẻ), chất lượng (quality) cao và cung cấp (delivery) đúng thời hạn. Nếu một cứ điểm sản xuất nào đó không cung cấp đúng thời hạn thì cả mạng lưới sản xuất toàn khu vực bị ảnh hưởng, do đó xí nghiệp đa quốc gia rất nhạy cảm về vấn đề nầy khi chọn môi truờng đầu tư. Delivery là công việc của nhà sản xuất, của công ty đa quốc gia, nhưng yếu tố quy định delivery là môi trường đầu tư trong đó hạ tầng phần cứng (hệ thống giao thông, thông tin, v.v..) và phần mềm (thủ tục hành chánh, thủ thụ thuế quan, luật lệ, quy định, v.v..) có vai trò quyết định. Phí tổn liên quan đến delivery nầy còn được gọi là phí tổn nối kết dịch vụ (service link cost), đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng cho việc đánh giá môi trường đầu tư, nhất là đầu tư trong những ngành thuộc nhóm D và E.[8]

Thứ ba, cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các công ty FDI với các loại xí nghiệp trong nước như doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân. Trong bài viết cho Hội thảo Hè năm 2004, dựa trên kết quả phân tích các ngành xe máy và dệt may, tôi đã cho thấy là sự liên kết giữa FDI với các công ty trong nước còn quá yếu vì các doanh nghiệp quốc doanh hoạt động kém hiệu suất, vì các công ty tư nhân chưa có đủ điều kiện về vốn và thông tin, v.v.. (Trần VT 2004). Các công ty trong nước (quốc doanh và tư nhân) có thể đẩy mạnh liên kết với các xí nghiệp đa quốc gia ở hai mặt: liên kết hàng dọc và liên kết hàng ngang. Liên kết hàng dọc là nỗ lực cung cấp bộ phận, linh kiện cho các công ty FDI, góp phần đưa nền công nghiệp cả nước tiến về thượng nguồn trong chuỗi giá trị (Hình 2). Liên kết hàng ngang là tiến hành hợp tác với các công ty đa quốc gia về nhiều mặt để sản xuất và xuất khẩu ra thị trường thế giới; lúc đầu có thể sản xuất và cung cấp dưới thuơng hiệu của công ty nước ngoài, xuất khẩu theo mạng lưới của công ty nước ngoài (gọi chung là OEM, Original Equipment Manufacturing), nhưng dần dần tự mình thiết kế sản phẩm (sản xuất theo hình thức ODM,Own Design Manufacturing), và cuối cùng tiến đến giai đoạn xây dựng thương hiệu, làm chủ hoàn toàn sản phẩm công nghiệp (OBM, Own Brand Manufacturing).

Vài lời kết

Làn sóng công nghiệp đang lan rộng ở vùng Đông Á với đặc tính là sự phân công hàng ngang giữa các nước ngày càng triển khai, nhất là tập trung mạnh trong những ngành chế tạo các loại máy móc. Sự xuất hiện mạnh mẽ của Trung Quốc làm nhiều người lo ngại nhưng thị trường lớn nầy cũng mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh hơn nữa sự phân công trong vùng và nhiều nước Đông Á đã thành công trong việc nắm bắt cơ hội đó. Mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa Việt Nam và các nước ASEAN chủ yếu là mậu dịch hàng dọc, bất lợi đối với Việt Nam, và Việt Nam đương đứng truớc một thử thách là phải tiến hành công nghiệp hoá trong trào lưu tự do hoá mậu dịch trong khu vực. Tuy nhiên Việt Nam đang có lợi thế so sánh động trong nhiều ngành công nghiệp, nếu có chiến lược, chính sách đúng đắn vẫn có thể tham gia vào sự phân công năng động ở vùng nầy.



Tư liệu có trích dẫn:

Gilboy, George J. (2004), The Myth Behind China’s Miracle, Foreign Affairs, Vol. 83, No 4 (July/August).

Keizaikikakucho (2000), Ajia Keizai 2000 (Kinh tế Á châu 2000), Ookurashou Insatsukyoku, Tokyo.

Keizaisangyoushou (2001), Tsushouhakusho (Sách trắng mậu dịch), Gyousei, Tokyo.

Kimura Fukunari (2005), International Production/Distribution Networks and Indonesia, The Developing Economies,XLIII-1, March, 17-38.

Kosai Yutaka and Tran Van Tho (1994), Japan and Industrialization in Asia: An Essay in Memory of Dr. Saburo Okita,” Journal of Asian Economics, 5: 166-176.

Kwan Chi Hung (2002), Chugoku no Taito to IT Kakumei no Shinkou de Gankoukeitai ha Kuzueruka (Mô hình đàn sếu bay có sụp đổ trước sự lớn mạnh của Trung Quốc và cuộc cách mạng công nghệ thông tin không?), RIETI Discussion Paper Series 02-J-006, Tokyo.

Lall, Sanjaya and Manuel Albaladejo (2004), “China’s Competitive Performance: A Threat to East Asian Manufactured Exports?,” World Development, Vol. 32, No. 9, pp. 1441-1466.

Marukami et al. (2005), Wagakuni Seizougyou Kigyou no Kaigai Jigyoutenkai ni Kansuru Chousa Houkoku: 2004 Nendo Kaigaichokusetsutoushi Ankeeto Chousa Kekka, Dai 26 Kai. Kết quả điều tra về đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty chế tạo Nhật Bản, Điều tra năm tài chính 2004 (lần thứ 16), Kaihatsu Kinyu Kenkyuu-shohou, 2/2005, JBIC, Tokyo.

Trần Văn Thọ (1997), Công nghiệp hoá Việt Nam trong thời đại châu Á Thái bình dương, NXB Thành phố HCM.

Trần Văn Thọ (2001), Quá trình phát triển kinh tế Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 20: Làm sao thoát khỏi nguy cơ tụt hậu?,” Ch. II trong Phạm Đỗ Chí và Trần Nam Bình, chủ biên, Đánh thức con rồng ngủ quên, NXB Thành phố HCM, pp. 33-51.

Trần Văn Thọ (2004), “Nội lực và ngoại lực trong quá trình phát triển kinh tế ở ViệtNam,”Thời đại mới 3,http://www.thoidai.org/ThoiDai3/200403_TVTho.htm.

Trần Văn Thọ (2005), FTA giữa Trung Quốc và ASEAN: Đặc biệt phân tích từ vị trí của Việt Nam, Những vấn đề kinh tế thế giới, (tháng 4), 4(108): 26-37.

Tran Van Tho, Harada Yutaka and C.H. Kwan (2001), Saishin Ajia Keizai to Nihon (Kinh tế Á châu và Nhật Bản: Những tiến triển mới nhất), Nihon Hyoron-sha.  

Trần Văn Thọ và Kunichika Matsumoto (2005), ASEAN-Chugoku no FTA: Sono Imi to Inpakuto no Kosatsu (FTA giữa Trung Quốc và ASEAN: Ý nghĩa và Tác động), một chương trong báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật FTA Jidai no Chugoku- ASEAN (Quan hệ Trung Quốc-ASEAN trong thời đại FTA), Tokyo, pp: 1-21.

Vernon, Raymond (1966), International Investment and International Trade in the Product Cycle, The Quarterly Journal of Economics, May, 190-207.




[1] Tư liệu, sách báo về mô hình nầy khá nhiều, ở đây chỉ giới thiệu hai nguồn mà nguời viết bài nầy đã phát biểu hoặc tham gia phát biểu: Trần VT (1997, Ch. 1) và Kosai and Tran (1994). Những nguồn khác có phân tích tình hình gần đây nhất sẽ được đề cập trong phần sau.


[2] Tác giả cám ơn Matsumoto Kunichika và Đỗ Mạnh Hồng đã giúp soạn nhiều bản biểu thống kê dùng trong bài nầy.


[3] Bản báo cáo về kinh tế Á châu của Tổng cục kinh tế kế hoạch Nhật (Keizaikikakuchou 2000) cho rằng nhờ công nghệ thông tin các nước đi sau ở Đông Á có thể đồng loạt sản xuất ngay các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tiến nhanh lên ngang hàng với các nước đi truớc. Sách trắng về thương mại quốc tế của Bộ công thương Nhật (Keizaisangyoushou 2003) xem sự lớn mạnh của Trung Quốc là yếu tố có thể chấm dứt mô hình đàn sếu bay. Tôi có dịp phản luận các ý kiến phủ nhận mô hình nầy trong cuốn sách viết chung mấy năm trước (Trần VT et. al. (2001)..


[4] Chẳng hạn, xem Kwan (2002), Lall and Albaladejo (2004), Gilboy (2004).


[5] Ngược lại trong mô hình của lý thuyết về chu kỳ sản phẩm (product cycle theory) của Vernon (1966), chỉ số cạnh tranh bắt đầu bằng 1 sau đó tiến đến zero rồi tiến về hướng trừ 1.


[6] Độc giả quan tâm vấn đề nầy có thể xem Trần VT (2005) trong đó cũng có phân tích bối cảnh ra đời của FTA giữa Trung Quốc và ASEAN.


[7] Sau khi kiểm chứng một số chỉ tiêu chỉ trình độ phát triển, tôi tạm kết luận là kinh tế Việt Nam đi chậm hơn Thái Lan độ 20 năm. Xem Trần VT (2001).


[8] Về ý nghĩa và liên quan giữa phí tổn nối kết dịch vụ với FDI, có thể xem, chẳng hạn, Kimura (2005).


* Bản duyệt lại của bài phát biểu tại Hội Thảo Hè 2005 “Tiếp Tục Đổi Mới Kinh Tế và Xã Hội để Phát Triển”, tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28-30/7/2005 với sự hỗ trợ của VAPEC, Vietnamese Heritage Institute và Đại học Đà Nẵng.

Nguồn © Thời Đại Mới

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Hack Crack] Full SQL inject cheat sheet - DarkGh0st Team

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork 1