[RAT] Kế toán và một số điều

Nghề tay trái nuôi tay phải
Cậu kế toán viên này vào làm việc năm 2000, thay thế vị trí của tôi sau khi tôi rời Cục Điện ảnh.

Số là khi tôi còn 6 tháng nữa mới ra trường, thì cô Cục Phó Cục Điện ảnh có tới trường Kinh tế Quốc dân và chọn một người về làm kế toán. Lúc đó tôi đang là lớp trưởng của lớp kế toán 37a, nên được chọn vào làm việc ở đây.

Sau một thời gian làm việc tôi cũng rút ra khá nhiều kinh nghiệm trong một môi trường công chức, nhưng tóm lại là tôi thấy mình không phù hợp với những môi trường kiểu như thế này và rút ra ngoài, xin vào ngành ngân hàng.

Đồng chí kế toán mới này vào thay thế chỗ trống đó, và nay sau đúng 11 năm thì đọc được tin này về người cùng tên, cùng tuổi, cùng vị trí công tác trước đây và cũng lại cùng sang Canada (nghe đâu như vậy).

Tuy đồng chí này chức vụ thì vẫn giẫm chân tại chỗ là kế toán viên, nhưng chắc đã “giàu” hơn tôi khá nhiều vì được cho là đang sở hữu 42 tỷ VNĐ trong tay. Và vụ việc này làm tôi suy nghĩ bằng cách nào mà chiến sỹ  kế toán đó lại có thể biển thủ được số tiền lớn như vậy mà không bị phát hiện?

Do đã từng làm đúng vị trí đó, nên tôi cũng dễ dàng suy luận ra được cách thức tiến hành của đồng chí này. Vụ việc rõ ràng đã rung lên một hồi chuông báo động cho các cơ quan và doanh nghiệp VN sau một loạt các phi vụ bị rút ruột kiểu như trên, kể cả tại các ngân hàng cũng bị tương tự từ những nhân viên không trung thực.

Theo tôi được biết thì cậu kế toán này ở nhà còn có thêm nghề photocopy, chắc là do nghề nghiệp này nên cậu ta rất có nghiệp vụ trong việc làm hồ sơ giả mạo giống như thật. Chuyện làm con dấu giả, chữ ký giả cũng không phải là điều gì khó khăn.

Tuy nhiên, ngoài việc chủ động làm giả hồ sơ giấy tờ thì cậu ta còn dựa vào những lỗ hổng, mà theo tôi là khá cơ bản trong hệ thống quản lý tài chính các cơ quan hiện nay tại Việt Nam.

Bốn lỗ hổng chết người

Lỗ hổng đầu tiên phải nói là có thể nhận thấy tại nhiều cơ quan và doanh nghiệp tại VN, đó là các thủ trưởng đơn vị, giám đốc hầu  như không hề biết những kiến thức sơ đẳng về quản lý tài chính. Nên họ tuy là chủ tài khoản của cơ quan nhưng việc quản lý tài chính hoàn toàn phụ thuộc vào bộ phận kế toán. Bộ phận kế toán tài chính báo sao thì biết vậy, mà không hề kiểm tra và cũng không có kiến thức để kiểm tra.

Tại Cục Điện ảnh thời gian qua theo tôi biết, Cục Trưởng và Cục Phó đều là dân nghệ thuật, nên có thể cả Cục trưởng và Cục phó chỉ có thể kiểm tra tài chính theo thông báo của kế toán mà không có cách nào kiểm tra độc lập.

Lỗ hổng thứ hai và tương đối cơ bản hay bị lợi dụng, đó là tại Việt Nam thì thường chỉ giao cho một người duy nhất và phụ trách thường xuyên giao dịch giữa ngân hàng và cơ quan, nên việc này dễ bị nhân viên này lợi dụng và thao túng. Ít khi có sự thay đổi và đảo vị trí nhân viên làm việc trong vị trí này.
Tác phẩm Đàn lạc đà trong lỗ kim (ảnh minh họa từ Internet)

Lỗ hổng thứ ba là việc đối chiếu giữa ngân hàng, kho bạc với cơ quan, doanh nghiệp. Thông thường thì chỉ có một nhân viên kế toán chuyên phụ trách giao dịch giữa cơ quan với ngân hàng, kho bạc. Khi không có giao dịch nào phát sinh thì phải tới cuối năm ngân hàng, kho bạc mới gửi một cái thông báo số dư cần đối chiếu và xác nhận 2 bên.

Có lẽ dựa vào sơ hở này mà cậu kế toán viên kia có thể qua mắt được chị kế toán trưởng. Chắc chắn kế toán trưởng đinh ninh là số dư tài khoản tại kho bạc vẫn không đổi và không có gì phát sinh, nên cũng không có sổ phụ mới. Nhưng trên thực tế thì hàng ngày cậu nhân viên vẫn làm giả ủy nhiệm chi để chuyển tiền đi và sổ phụ mới không được mang về cơ quan.

Do vậy, Cục Điện ảnh chỉ có thể phát hiện ra chênh lệch này vào cuối năm hoặc khi cậu kế toán này đã chuồn khỏi Việt Nam thì mới vỡ ra vấn đề. Đây là hiện tượng khá phổ biến và dễ bị lợi dụng ở VN.

Muốn xử lý kẽ hở này, những người có trách nhiệm về tài chính phải kiểm tra số dư thường xuyên không chỉ dựa vào chứng từ mang về mà cả gọi điện, kiểm tra qua online, hoặc thậm chí nhiều ngân hàng còn có dịch vụ tin nhắn thông báo số dư định kỳ tới lãnh đạo cơ quan.

Về phía kho bạc cũng nên có dịch vụ thông báo số dư hàng tháng, thậm chí qua cả tin nhắn. Hiện nay các ngân hàng làm công tác này tương đối tốt, còn có vẻ như Kho bạc Nhà nước công nghệ vẫn còn rất lạc hậu.

Lỗ hổng thứ tư là tại Việt Nam hệ thống chứng từ, kế toán vẫn chủ yếu dựa vào chứng từ giấy (tại Canada thì toàn bộ hệ thống ngân hàng dùng chứng từ là các chứng từ điện tử lưu trên máy, còn chứng từ giấy không bắt buộc).

Có nhiều người đặt câu hỏi rằng: tại sao vụ việc này diễn ra trong hơn 2 năm trời, trong khi đó hàng năm giữa Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa TTDL đều có thanh quyết toán, như vậy cấp trên tại sao không phát hiện ra?

Theo tôi nghĩ thì cậu nhân viên kế toán này cũng làm giả luôn cả bảng thông báo số dư của kho bạc. Trên Bộ Văn hóa TTDL khi xuống Cục Điện ảnh có kiểm tra và duyệt thanh quyết toán cũng hoàn toàn dựa trên chứng từ, nhưng số dư thực tế trên tài khoản tại kho bạc thì họ không hề hay biết. Do vậy, bằng nghiệp vụ làm giả chứng từ thì cậu nhân viên này có thể qua mặt được hầu hết các cấp kiểm tra về kế toán.

Như vậy, một vấn đề tiếp theo cần đặt ra là phải có một sự kết nối giữa cơ quan cấp trên và cấp dưới về mặt tài chính. Cụ thể là cơ quan cấp trên ngoài việc chỉ xem xét và kiểm tra về chứng từ, còn có thể được truy cập và kiểm tra số dư tiền của cơ quan cấp dưới.

Theo tôi, những lỗ hổng đã nêu trên đây có thể cũng là những bài học cần rút kinh nghiệm với các cơ quan và cả những doanh nghiệp mà công tác quản lý tài chính còn chưa sát sao, rất dễ bị lợi dụng bởi những nhân viên có đạo đức xấu.

Đổi title từ bài: Người tiền nhiệm của “siêu kế toán” lý giải chuyện voi chui lọt lỗ kim

Cái mà người ta gọi: "Làm nghề nào, ăn nghề đấy" đây chăng? 

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Security] Internet blackout scheduled in protest of SOPA