[Tài liệu] Chủ thể là người chưa thành niên phạm tội

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đối với người chưa thành niên

27 Tháng 9
ThS. Đỗ Thị Phượng
Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội
1. Thực tiễn thi hành các qui định về thủ tục tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.
Từ năm 1997 đến năm 2007, ở Việt Nam có tổng số khoảng 903.726 người bị khởi tố, trong đó có 60.346 người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi chiếm tỷ lệ 6,68%. Nhìn chung công tác khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can là người chưa thành niên ngày càng được cải thiện. Điều tra viên đã chú ý tới việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, kiểm tra tin báo, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, quần chúng ở địa phương trong việc thu thập các dấu hiệu của tội phạm của người chưa thành niên. Tội phạm do người chưa thành niên thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực xâm phạm sở hữu như: Trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản, tàng trữ, mua bán trái phép các chất ma tuý… Điều đó khẳng định số lượng điều tra các vụ án mà bị can là người chưa thành niên ngày càng nhiều hơn. Trong quá trình điều tra, nhiều Điều tra viên cũng đã chú ý đến các thủ tục đặc biệt dành cho các em như có người đại diện hợp pháp, người bào chữa tham gia, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, giao bị can cho cha mẹ hoặc người giám hộ giám sát… So với trước đây, trình độ hiểu biết của Điều tra viên về người chưa thành niên đã được nâng lên rõ rệt. Điều tra viên đã quan tâm hơn tới quy cách làm việc, đối xử với người chưa thành niên trong quá trình điều tra như đã phân biệt được cách hỏi cung người chưa thành niên với người thành niên, đã hiểu và tôn trọng hơn các quyền trẻ em, muốn tìm ra các điều kiện để giáo dục các em. Trong giai đoạn truy tố, VKS các cấp đã thực hiện đúng thẩm quyền của mình trong việc xử lí án do người chưa thành niên thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS năm 2003 và BLHS. Những năm gần đây, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước tới người chưa thành niên nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng nên nhìn chung chất lượng giải quyết các vụ án bị can, bị cáo là người chưa thành niên cũng đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, trên thực tế việc khởi tố, điều tra loại án này vẫn còn nhiều vi phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Các CQĐT chấp hành các quy định của pháp luật còn mang tính hình thức mà chưa chú ý đến bản chất của các quy định đó. Một số vướng mắc, hạn chế chủ yếu trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, đó là:
+ Điều tra viên khi tiến hành điều tra các loại án này chưa có đầy đủ những hiểu biết cần thiết về tâm lí học, về khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm người chưa thành niên.
Hiệu quả của hoạt động tố tụng trong những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, hiệu quả của công tác phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội chỉ có thể đạt được trên cơ sở những người tiến hành tố tụng nắm vững được những đặc điểm tâm lí, khoa học giáo dục người chưa thành niên. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một đội ngũ chuyên trách giải quyết những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Đây là một nhược điểm rất khó khắc phục do vấn đề biên chế đội ngũ cán bộ hiện nay. Do số lượng án hình sự nói chung, án do người chưa thành niên thực hiện nói riêng mỗi năm tăng dẫn đến tình trạng thiếu người hoặc một người phải kiêm giải quyết nhiều loại việc. Do qui định của pháp luật về tiêu chuẩn của những người tiến hành tố tụng giải quyết những vụ án loại này còn quá chung chung cho nên trên thực tế nhiều CQĐT hầu như không phân biệt vụ án có người chưa thành niên hay không trong việc phân công Điều tra viên điều tra vụ án.
+ Việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết loại án do người chưa thành niên thực hiện còn hạn chế, vẫn theo thủ tục chung mà chưa chú ý đúng mức đến những thủ tục đặc biệt giành cho họ.
Vì không được trang bị kiến thức đầy đủ về tâm lí, giáo dục người chưa thành niên và phải kiêm nhiều loại việc cho nên những người được phân công giải quyết loại án này thường không xác định rõ được là đối với loại án người chưa thành niên cần phải có sự chuẩn bị kĩ càng hơn. Do vậy mà các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có sự phối hợp tích cực. Bên cạnh đó, do BLTTHS chưa phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các CQĐT hay giữa CQĐT với VKS nên dẫn đến nhiều trường hợp các cơ quan này cùng kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố trong cùng một vụ việc hoặc dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm không cơ quan nào khởi tố dẫn tới bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Nhiều Điều tra viên chưa chú ý đến việc điều tra về nguyên nhân, điều kiện phạm tội, điều kiện sinh sống, giáo dục của gia đình, nhà trường. Vấn đề này có tính phổ biến vì CQĐT mới chỉ quan tâm đến mặt chứng cứ, xác định có phạm tội hay không, việc bỏ thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về điều kiện sinh sống giáo dục của người chưa thành niên chưa được chú trọng. Trong quá trình hỏi cung bị can, vẫn còn những Điều tra viên chưa chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên nên vẫn còn xảy ra tình trạng đe doạ, quát mắng, đánh các em gây cho các em tâm lý sợ hãi, căng thẳng. Việc giáo dục, cảm hóa người chưa thành niên phạm tội phải được thực hiện ngay trong quá trình khởi tố, điều tra. Tuy nhiên không phải người tiến hành tố tụng nào cũng nhận thức rõ điều đó. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do họ phải giải quyết một lượng án lớn trong một thời gian nhất định nên họ chưa có sự quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng trong việc giáo dục, giúp đỡ tới bị can là người chưa thành niên. Mặt khác do chưa có những hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật hỏi cung bị can chưa thành niên nên nhiều Điều tra viên không có sự phân biệt giữa hỏi cung bị can thành niên và bị can chưa thành niên khác nhau như thế nào.
+ Vẫn còn tình trạng CQĐT gây khó khăn cho người bào chữa hoặc không mời người đại diện hợp pháp, đại diện gia đình, thầy giáo, cô giáo tham gia trong các vụ án mà bị can là người chưa thành niên.
Việc người bào chữa tham gia từ khi có khởi tố bị can hoặc từ khi có quyết định tạm giữ, nhất là đối với người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên, là một thủ tục vô cùng quan trọng vì nó sẽ bảo vệ được quyền lợi của người chưa thành niên, tạo cho họ tâm lí bình tĩnh, tự tin tránh những xúc động, sợ hãi. Ngoài ra có trường hợp lời khai bất lợi do bị can viết ra làm cho tình thế thêm tồi tệ thì một luật sư có mặt khi viết lời khai sẽ giúp ích trong việc trình bày vụ án. Hiện nay đã có nhiều thay đổi trong nhận thức của những người tiến hành tố tụng về những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, chính vì thế mà quyền lợi của người chưa thành niên cũng được tôn trọng và bảo vệ hơn, trong đó có quyền bào chữa. Một số nơi luật sư có mặt trong khi lấy cung hoặc có những luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo mà không có thù lao. Tuy nhiên, CQĐT không phải lúc nào cũng tôn trọng nhu cầu cần có luật sư của bị can là người chưa thành niên. Phần lớn các CQĐT, VKS không có danh sách Luật sư sở tại hoặc của địa phương khác đang hành nghề trên địa bàn thuộc thẩm quyền của mình để cho người bị tạm giữ, bị can chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ có thể lựa chọn, yêu cầu hoặc thực hiện quyền yêu cầu thay đổi, do đó các CQĐT và VKS thường bị động khi lựa chọn người bào chữa cho bị can chưa thành niên. Một số cán bộ điều tra cho rằng sự tham gia của luật sư rất dễ cản trở cho cuộc điều tra cho nên họ không thích có luật sư tham gia vào các buổi hỏi cung. Quy trình để có một luật sư vào trại giam cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải có giấy giới thiệu và giấy phép của công an do đó luật sư muốn gặp bị can nhưng vì ngại các thủ tục hành chính phiền hà nên cũng không gặp được bị can. Việc cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa cũng được mỗi địa phương thực hiện khác nhau. Có địa phương người bào chữa thông qua Điều tra viên, có địa phương người bào chữa gửi văn bản đến các trại giam nhờ lấy ý kiến của người bị tạm giữ, tạm giam. Mặt khác, đã và đang xảy ra tình trạng Điều tra viên viện cớ để trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận hoặc gây khó khăn cho người bào chữa khi thực hiện nhiệm vụ. Chính từ thực trạng này, bên cạnh đó, để đảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Công an đã có Công văn số 45/C16(P6) ngày 26-01-2007 yêu cầu lãnh đạo các đơn vị các CQĐT, Điều tra viên phải luôn có nhận thức đúng đắn về việc đảm bảo quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam theo luật định. Trong trường hợp nhân thân của người bị tạm giữ, tạm giam có đơn yêu cầu luật sư, người bào chữa thì các đơn vị có liên quan như Trại tạm giam, nhà tạm giữ, CQĐT cần hướng dẫn luật sư, người bào chữa gửi đơn của họ kèm theo các giấy tờ có liên quan đến việc xin cấp “giấy chứng nhận người bào chữa” đến cơ quan thụ lý vụ án. Điều tra viên thụ lý vụ án có trách nhiệm tiến hành ngay việc lấy ý kiến của người bị tạm giữ, tạm giam về việc đồng ý hoặc từ chối mới luật sư hoặc người bào chữa để xem xét. Công văn cũng chỉ rõ về việc Điều tra viên cần tạo điều kiện và thời gian để người bào chữa thực hiện nhiệm vụ, tránh các việc làm như: Viện cớ bị can đang bị ốm, điều tra viên đang bận việc khác, thông báo quá gấp thời gian tiến hành hỏi cung… Đối với trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa (khoản 2 Điều 57 BLTTHS), CQĐT phải chủ động thực hiện, đây là vấn đề bắt buộc. Nếu không thực hiện thì các biên bản hỏi cung sẽ không có giá trị pháp luật. Trước đây, khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì không có người bào chữa cho bị can là người chưa thành niên từ giai đoạn điều tra thì BLTTHS năm 2003 cũng chưa có một điều khoản nào ràng buộc trách nhiệm của CQĐT, VKS. Do đó, những vi phạm loại này vẫn tiếp diễn. Có trường hợp Điều tra viên, Kiểm sát viên thuyết phục bị can là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ “từ chối’ người bào chữa. Song không chỉ là sự nhận thức chưa đúng đắn về vị trí quan trọng của người bào chữa trong các vụ án hình sự từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn từ phía người dân. Vẫn còn nhiều người chưa có thói quen có các luật sư can thiệp trong các vụ án. Có nhiều trường hợp là do họ không biết mình có quyền được mời người bào chữa, cũng có trường hợp họ không biết được quy định của pháp luật bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì sẽ được CQĐT yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa tham gia từ giai đoạn điều tra nếu như họ không mời. Rõ ràng trong một thời gian dài chúng ta không có những qui định chặt chẽ về trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong trường hợp không yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Thực tiễn cho thấy, trong những trường hợp tại giai đoạn điều tra, CQĐT không yêu cầu Đoàn luật sư đề nghị Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ thì trong giai đoạn xét xử, TA sẽ chỉ định người bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo được quyền bào chữa cho người chưa thành niên và vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng vẫn cứ tiếp diễn. Để khắc phục tình trạng này, TANDTC đã có Công văn 26/KHXX ngày 28-02-2007 đã có hướng dẫn như sau: Trường hợp thụ lý để xét xử sơ thẩm, thì TA căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 170 của BLTTHS trả hồ sơ vụ án cho VKS để điều tra bổ sung.
Trong những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì sự tham gia của đại diện hợp pháp, đại diện gia đình và các tổ chức xã hội cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Do qui định về việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội cũng còn nhiều bất cập, không cụ thể, nên dễ dẫn đến tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng lạm quyền, không muốn họ tham gia với lí do cần giữ bí mật điều tra. Trong một số trường hợp, người giám hộ bị cấm không được tiếp xúc với trẻ khi trẻ đang bị tạm giữ ở trụ sở công an. Một số em và người giám hộ cho biết cha mẹ khi đến thăm con mình ở trụ sở công an được cho phép tiếp tế thực phẩm, nhưng không được phép gặp và nói chuyện với trẻ. Thực tiễn cũng cho thấy, có nhiều em có bố mẹ đi cùng đến trụ sở cơ quan công an hoặc đến thăm các em ở trụ sở cơ quan công an khi các em bị bắt, nhưng cha mẹ không được phép có mặt trong buổi hỏi cung. Một số giám hộ khác ký vào biên bản hỏi cung mặc dù thực tế thì họ không hề có mặt trong buổi hỏi cung đó. Không có trẻ em nào có giáo viên hoặc đại diện tổ chức quần chúng có mặt trong quá trình hỏi cung. Hơn nữa, đối với những bị can, bị cáo sống lang thang, không có nơi cư trú thì quy định như trên chỉ mang tính hình thức. Một số cha, mẹ ký vào biên bản hỏi cung mặc dù thực tế họ không hề có mặt trong buổi hỏi cung đó. Không có người chưa thành niên nào có giáo viên hoặc đại diện tổ chức quần chúng có mặt trong quá trình hỏi cung. Do tuổi còn nhỏ và đặc tính dễ bị tổn thương, tâm lý sợ công an nên trẻ em rất nhạy cảm với việc ép buộc hơn người thành niên, do đó dễ dẫn đến những lời khai không đúng, gây bất lợi cho mình. Khi Điều tra viên vẫn sử dụng các chiến thuật hỏi cung như hỏi cung với bị can là người thành niên, lại không có đại diện gia đình của bị can chưa thành niên, sẽ gây nên sự sợ hãi, căng thẳng cho trẻ em. Điều đó không những ảnh hưởng đến quyền lợi của các em mà còn dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
+ Vi phạm chủ yếu trong giai đoạn truy tố là VKS truy tố người dưới 14 tuổi hoặc người dưới 16 tuổi chỉ phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng.
VKS với chức năng, nhiệm vụ vừa là cơ quan trực tiếp tiến hành tố tụng vừa là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng, cho nên VKS có vai trò rất lớn trong việc giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm việc xử lí nghiêm minh đúng người, đúng tội, nhất là đối với bị can là người chưa thành niên. Trong vòng 11 năm (từ năm 1997 đến năm 2007), ngành kiểm sát đã xử lí 44.168 bị can là người chưa thành niên (trung bình mỗi năm xử lí hơn 4000 bị can là người chưa thành niên) trong đó truy tố 42.538 bị can chiếm 96,11%, đình chỉ 1.630 bị can chiếm 3,89% (xem phụ lục số 6). Số bị can chưa thành niên bị đình chỉ có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây đã cho thấy chất lượng điều tra đã được cải thiện rõ rệt, ít có những trường hợp khởi tố không đúng người, đúng tội. Số bị can bị đình chỉ hoặc đình chỉ do miễn trách nhiệm hình sự ít hơn so với trước đây. Điều này cũng cho thấy rằng CQĐT “đã thận trọng hơn trước đây. Nếu hồ sơ được chuẩn bị không đầy đủ hoặc chứng cứ đáng nghi ngờ hoặc thiếu, công an có thể bị kỷ luật. Do đó, chỉ những vụ án đã rõ mới chuyển đi để truy tố và xét xử”. Song cũng không phải là tất cả các hồ sơ của CQĐT chuyển sang đều có đầy đủ chứng cứ hoặc được chuẩn bị một cách kỹ càng mà đôi khi VKS đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Thực tế cho thấy, vẫn có nhiều hiện tượng những hồ sơ vụ án do CQĐT chuyển sang VKS “không điều chỉnh được tí gì”.
Có rất nhiều vụ án sau khi nhận được hồ sơ vụ án cùng với bản kết luận điều tra của CQĐT, VKS không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án mà đã ra quyết định truy tố bị can đến TA dẫn đến TA lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án hoặc có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
2. Thực tiễn thi hành các qui định về thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử
Trong vòng 11 năm (1997- 2007), tổng số bị cáo là người chưa thành niên đã bị xét xử sơ thẩm trên toàn quốc là 42.293 người trong tổng số 913.870 bị cáo nói chung. Như vậy số bị cáo là người chưa thành niên bị đưa ra xét xử sơ thẩm chiếm 4,63 % trong tổng số bị cáo. Qua diễn biến số bị cáo là người chưa thành niên đã bị xét xử sơ thẩm cho thấy, có sự tăng giảm không đồng đều trong vòng 11 năm trở lại đây. Số bị cáo bị đưa ra xét xử nhiều nhất là vào năm 2005 với 6.05% và số lượng được đưa ra xét xử thấp nhất là năm 2004 với 2.75%. Cũng giống như CQĐT, VKS, TA khi xét xử sơ thẩm những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định chung của BLTTHS năm 2003 còn phải đảm bảo cho các quy định đặc biệt đối với người chưa thành niên được thực hiện. Mặc dù BLTTHS năm 2003 quy định về các thủ tục đặc biệt như sự tham gia của người bào chữa, của gia đình và các tổ chức xã hội, về thành phần Hội đồng xét xử, hình thức xét xử… rất cụ thể, tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện những quy định này gặp không ít khó khăn. ở một số địa phương vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật vẫn xảy ra dẫn đến khi xét xử phúc thẩm, TA cấp phúc thẩm phải huỷ án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại vụ án
Một số những vướng mắc thường gặp ở các TA địa phương, đó là:
+ Vẫn còn tình trạng không có người bào chữa, người đại diện hợp pháp tham gia trong các phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm.
Bên cạnh sự thiếu hiểu biết đó còn có tình trạng làm bừa, làm ẩu dẫn đến việc xét xử bị vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của những người tiến hành tố tụng. Tình trạng không có người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên tại phiên toà vẫn xảy ra ở một số địa phương trong cả nước.
Có những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên không có người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng. Một trong những nguyên nhân chính của những vi phạm này là các qui định về người đại diện hợp pháp trong BLTTHS năm 2003 vẫn chưa cụ thể, rõ ràng cho nên khi áp dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không yêu cầu người đại diện hợp pháp tham gia để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là người chưa thành niên. Trong khi xét xử bị cáo là người chưa thành niên, có rất nhiều vụ án đã không có đại diện gia đình và các tổ chức xã hội tham gia tố tụng, đặc biệt là đối với những vụ án mà bị can, bị cáo sống lang thang, không rõ lí lịch. Việc tham gia phiên toà của đại diện gia đình, đại diện của nhà trường hoặc các tổ chức xã hội chủ yếu là chỉ đến xem toà xét xử và nghe toà tuyên án. Và như vậy thì việc tham gia của họ chỉ mang tính hình thức và thụ động theo quyết định của TA để hợp pháp hoá phiên toà vì nếu không sẽ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến huỷ án. BLTTHS quy định trong khi xét xử những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên thì Hội đồng xét xử phải có một Hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên, nhưng thực tế cho thấy, cơ cấu Hội thẩm nhân dân lại không phù hợp, số lượng Hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên còn ít hơn so với yêu cầu xét xử. Thêm vào đó, nhiều người Hội thẩm nhân dân là giáo viên, cán bộ Đoàn lại không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình và rất khó khăn cho TA khi mời các vị Hội thẩm nói trên tham gia xét xử, có thể vì bận công tác nhưng trong đó chắc chắn có nguyên nhân thiếu nhiệt tình và ý thức trách nhiệm không cao. Việc mời Hội thẩm nhân dân của TA cũng chưa đến được tất cả các Hội thẩm nhân dân, mới chỉ tập trung ở một số Hội thẩm có điều kiện thường xuyên tham dự phiên toà. Cũng chính từ những lí do trên mà việc xét xử một số vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên ở một số nơi đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dẫn đến tình trạng TA cấp trên phải huỷ án yêu cầu xử sơ thẩm lại từ đầu…
+ Vẫn còn nhiều Thẩm phán thiếu những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với bị cáo là người chưa thành niên khi xét xử.
Khi đánh giá về sự thay đổi trong nhận thức của Thẩm phán thụ lí các vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, Báo cáo lượng giá dự án tư pháp người chưa thành niên đưa ra nhận xét: Trước đây các Thẩm phán thường có khuynh hướng rất triệt để, tuân thủ các nguyên tắc giấy tờ theo từng chữ. Bây giờ họ đối xử với trẻ em bằng tình thương lớn hơn, và chú ý đến các em hơn. Có vẻ họ thực bụng cố gắng giúp đỡ các em. Thậm chí có vẻ nhiều lúc, họ giúp các em vài manh mối để các em trình bày tình huống của mình một cách có lợi nhất. Đã có những Thẩm phán trong Hội đồng xét xử lưu ý và đặt câu hỏi đơn giản, giải thích cặn kẽ cho bị cáo là người chưa thành niên, nhưng cũng có một số thẩm phán còn thiếu những hiểu biết cần thiết về tâm lý người chưa thành niên. Đôi khi cũng khó khăn cho các thẩm phán giữ trạng thái, tinh thần phù hợp với người chưa thành niên nếu cùng ngày hôm đó thẩm phán phải xét xử những vụ án mà bị cáo là người thành niên. Có tình trạng lúng túng này là do một phần lớn số Thẩm phán được phân công xét xử những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên không có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như hoạt động đấu tranh phòng và chống tội phạm của người chưa thành niên. Do đó, vẫn còn những Thẩm phán thể hiện thái độ nghiêm trọng và giận dữ khi thẩm vấn các em làm cho các em cảm thấy sợ hãi, căng thẳng. Có thể nhận thấy rằng, không khí trang nghiêm tại phòng xử án, thái độ lạnh lùng, quát tháo của Thẩm phán đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng khai báo hiệu quả và tham gia đầy đủ vào quá trình tố tụng của bị cáo là người chưa thành niên. Các phiên toà xét xử bị cáo là người chưa thành niên được diễn ra công khai, có nhiều người dân tham dự, có rất ít các vụ án được xét xử kín, trong khi đó có nhiều vụ án còn được đưa ra xét xử lưu động cũng làm tăng thêm cảm giác sợ hãi, lo lắng bị kỳ thị của các em.
3. Thực tiễn thi hành các qui định về thủ tục tố tụng trong giai đoạn thi hành án
Nhìn chung trong những năm gần đây việc quản lý, giáo dục người chưa thành niên phạm tội đã được chú ý, coi trọng hơn trước. Các cơ quan có thẩm quyền thi hành các biện pháp tư pháp, án treo, cải tạo không giam giữ đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp với các tổ chức, chính quyền cơ sở để có những biện pháp giáo dục phù hợp đối với người chưa thành niên phạm tội. Các trại giam đã cố gắng đảm bảo việc thực hiện các qui định của pháp luật về chế độ giam giữ như ăn uống, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí, lao động, khám sức khoẻ định kỳ cũng như quan tâm đến công tác xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù. Sau khi người chưa thành niên phạm tội trở về địa phương, chính quyền cơ sở đều có gắng tìm kiếm giải pháp tạo việc làm, ổn định đời sống cho họ. Trên cơ sở việc tổ chức tiếp nhận, trình báo, các địa phương thường phối hợp với các đoàn thể tiếp thu tâm tư, nguyện vọng của các em để từ đó có kế hoạch giúp đỡ, cụ thể như giới thiệu, bố trí việc làm, cho vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Một số địa phương cũng có hoạt động phối hợp với trung tâm dạy nghề, sở lao động thương binh- xã hội dạy nghề miễn phí cho các em. Mặc dù vậy, công tác thi hành án hình sự đối với người chưa thành niên vẫn còn những hạn chế, vướng mắc sau:
+ Công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ đối với người bị kết án là người chưa thành niên có lúc, có nơi vẫn còn buông lỏng, chính quyền cơ sở ở một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm sát sao đến vấn đề này.
Hiện nay tỷ lệ người chưa thành niên bị các TA ở Việt Nam kết án tù cho hưởng án treo cao hơn hẳn so với việc áp dụng các loại hình phạt khác. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có những quy định chặt chẽ, cụ thể về chế độ chấp hành án treo, do đó việc thi hành còn chưa nghiêm. Bên cạnh đó, do không nắm được các quy định của pháp luật về loại hình phạt này nên người bị kết án là người chưa thành niên và đại diện gia đình có những hiểu nhầm, hiểu sai về nội dung của án treo. Họ cho rằng án treo không phải là hình phạt cho nên dẫn đến tâm lí coi thường việc thực hiện bản án hoặc không biết thực hiện. Trong thời gian thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, do không được giám sát chặt chẽ, giáo dục và sự quan tâm từ phía gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, không có sự phối hợp theo dõi từ phía các cơ quan thi hành án hình sự nên người chưa thành niên lại tiếp tục phạm tội.
+ Mặc dù số người chưa thành niên chiếm tỷ lệ khá cao trong các trại giam những năm gần đây nhưng các điều kiện giam giữ, chế độ sinh hoạt của người chưa thành niên có những nơi vẫn chưa được đảm bảo.
Theo số liệu thống kê của Cục V26, Bộ Công an về số lượng người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam cho thấy, số người chưa thành niên bị phạt tù giam trên cả nước là rất lớn. Trong vòng 6 năm (1998-2005), trên cả nước có 17.287 bị cáo là người chưa thành niên bị xử phạt tù giam chiếm 58,97% trong tổng số bị cáo là người chưa thành niên bị đưa ra xét xử. Tuy nhiên việc giam riêng người chưa thành niên còn đạt tỷ lệ tương đối thấp. Mặc dù Nhà nước và Ban giám thị các trại giam đã có nhiều cố gắng song do điều kiện vật chất của các cơ sở giam giữ, cải tạo còn hạn chế nên việc giam riêng người chưa thành niên bị phạt tù chưa được thực hiện tốt. Chế độ ăn ở, sinh hoạt ở một số trại giam chưa thực sự đảm bảo vệ sinh nên vẫn còn tình trạng các phạm nhân mắc bệnh ngoài da, các điều kiện chăm sóc y tế còn nhiều hạn chế, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong các trại giam khá lớn. Điều kiện vui chơi giải trí của phạm nhân là người chưa thành niên vẫn chưa được tốt, chưa có công cụ, vật dụng phục vụ giải trí nào khác (như thư viện, dụng cụ thể thao…) cho phạm nhân nói chung và phạm nhân là người chưa thành niên nói riêng. Do điều kiện cơ sở vật chất còn quá nghèo nàn, thiếu trang thiết bị để học và thực hành nghề nên ở một số trại giam vẫn chưa tổ chức được việc học nghề cho người chưa thành niên. Đa phần các trại giam mới chỉ lo được việc kiếm việc làm (chủ yếu là lao động thủ công như đóng gạch, phụ xây, đào ao hồ…) và các hoạt động tăng gia sản xuất mang tính chất tự cấp tự túc trong bản thân các trại giam như nuôi lợn, trồng rau, làm vườn… mà chưa thực hiện được việc đào tạo nghề một cách thích hợp. Việc học văn hoá nhìn chung đã được thực hiện đầy đủ cho phạm nhân là người chưa thành niên trong các trại giam theo chương trình rút gọn chỉ tập trung vào một số môn cơ bản. Về vấn đề miễn giảm án được thực hiện khá tốt. Việc chuẩn bị cho người chưa thành niên hết hạn tù tái hoà nhập cộng đồng tại các trại giam được tiến hành một cách thụ động. Một số địa phương, Ban giám thị chỉ gửi công văn cho chính quyền địa phương trước khi người chưa thành niên được trả tự do sau đó cấp tiền, tàu xe cho người chưa thành niên tự về nếu không có người đến đón. Người chưa thành niên sau khi được trả tự do không được biết về tình hình và khả năng đón nhận của địa phương nên thường có tâm lí hoang mang, lo lắng.
+ Việc áp dụng các biện pháp tư pháp còn chưa mang lại hiệu quả cao. Giữa TA với Uỷ ban nhân dân địa phương, nhà trường, tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát và giáo dục chưa có sự phối hợp đồng bộ.
Nhiều khi việc tuyên án của TA chỉ trong bản án chưa được Uỷ ban nhân dân địa phương, nhà trường, tổ chức xã hội thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không thường xuyên, không đều đặn, có chăng chỉ được thực hiện ở thời gian đầu. Mặt khác, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa TA và cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, nơi có trách nhiệm giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Đối với biện pháp “đưa vào trường giáo dưỡng” hiện nay cũng có những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí cho nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục người chưa thành niên tại các trường giáo dưỡng. Vấn đề này đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư hơn nữa của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, qua những số liệu và kết quả điều tra về thực tiễn áp dụng các quy định của BLTTHS năm 2003 về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đối với những vụ án mà bị can, bị cáo, người bị kết án là người chưa thành niên, chúng tôi thấy, mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng thực hiện các quy định của BLTTHS nhưng ở một số địa phương vẫn còn những hạn chế, tồn tại, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng các qui định của BLTTHS.

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Hack Crack] Full SQL inject cheat sheet - DarkGh0st Team

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork 1