Kinh nghiệm đánh giá chứng cứ của Luật sư

Theo quy định tại khoản 1 điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự thì: “Chứng cứ là những gì có thật thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quýêt đúng đắn vụ án”.
Như vậy, chứng cứ luôn tồn tại một cách khách quan không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, nó liên quan tới vụ án và được thu thập theo một trình tự do pháp luật quy định dùng để làm phương tiện chứng minh vụ án. Vì thế, khi thu thập được các tài liệu, vật chứng… phải có sự đánh giá chính xác để sử dụng làm chứng cứ theo mục đích phù hợp với tư cách tố tụng của người đánh giá chứng cứ, từ đó xây dựng quan điểm, luận cứ của mình.
Từ đó, có thể hiểu rằng, đánh gía chứng cứ  là một khâu của quá trình chứng minh vụ án hình sự, trong đó những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo tư cách tố tụng của mình, thực hiện việc xác định giá trị của các tài liệu, vật dụng đã thu thập được, nhằm chứng minh những vấn đề cần thiết trong vụ án cụ thể. Như vậy, đánh giá chứng cứ chính là họat động của con người trong tố tụng hình sự và hoạt động này thể hiện quan điểm nhận thức, tư  duy của người tiến hành việc đánh giá chứng cứ. Do đó có thể thấy, việc đánh giá chứng cứ  sẽ phần nào chịu ảnh hưởng bởi tư cách tố tụng, trình độ chuyên môn, khả năng nhận thức tư duy của mỗi người.
Trong khuôn khổ vấn đề tôi muốn trình bày ở đây, chỉ giới hạn ở hoạt động đánh giá chứng cứ của luật sư và những kinh nghiệm thực tiễn đã gặp qua quá trình hành nghề trong lãnh vực tranh tụng hình sự.
Do đặc  thù của hoạt động hành nghề nên khi tham gia tố tụng trong lĩnh vực hình sự, luật sư có thể tham gia với những tư cách tố tụng khác nhau như: có vụ án tham gia với vai trò là người bào chữa, có vụ án lại tham gia với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Nhưng dù tham gia với bất kỳ vai trò nào, thì nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình hành nghề luật sư cần phải tuân thủ là không được làm xấu đi tình trạng của khách hàng - đây vừa là đạo đức nghề nghiệp vừa là nguyên tắc hành nghề của luật sư. Cũng chính từ nguyên tắc này mà mục đích của việc đánh giá chứng cứ của luật sư trước hết là nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người mà luật sư nhận bào chữa, bảo vệ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 3,điều 58 và khoản 4 điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự.
Như vậy, với tư cách luật sư, theo các quy định của pháp luật về nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư khi tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, bên cạnh việc tuân theo những nguyên tắc cơ bản như: khách quan, toàn diện, tổng hợp và đầy đủ khi đánh giá chứng cứ thì trước hết luật sư còn phải vận dụng mọi khả năng theo quy định của pháp luật để đánh giá theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. điều này có thể hiểu rằng, luật sư đứng ở vị trí với vai trò  phản biện trước quan điểm buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc quan điểm những người tham gia tố tụng có quyền lợi đối lập với người mà luật sư có trách nhiệm bào chữa, bảo vệ để đánh giá chứng cứ. Có như vậy, hoạt động của luật sư mới có hiệu quả và đúng với yêu cầu trong chức năng hành nghề. Mặt khác, qua việc làm này, luật sư đã góp phần tích cực vào việc xác định chính xác sự thật khách quan của vụ án, tránh được oan, sai,lọt,sót trong xử lý vụ án và qua đó đã thực hiện được nhiệm vụ  góp phần bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa mà theo quy định, luật sư cũng có nhiệm vụ phải thực hiện.
Việc đánh giá chứng cứ có thể được tiến hành ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án mà theo quy định tại khoản 1 điều 58, khoản 2 điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự  thì luật sư được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Thực tế trong nhưng vụ án cụ thể thì luật sư bắt đầu tham gia tố tụng sau khi xác lập hợp đồng giữa luật sư với thân chủ hoặc người đại diện của họ và được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Như vậy ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, luật sư sau khi được tham gia tố tụng cần nhanh chóng tiếp cận tài liệu, hồ sơ trong phạm vi được phép để tiến hành việc đánh giá chứng cứ, việc đánh giá chứng cứ cần lần lượt trả lời được những câu hỏi cơ bản sau:
Trong số các tài liệu,văn bản, vật dụng, kết luận giám định… những cái nào được coi là chứng cứ? Thực trạng các chứng cứ đã thu thập được liệu đã đủ để buộc tội hoặc minh oan cho một người nào đó hay chưa? Nhưng bất kể chứng cứ đã đủ hay chưa, luật sư cũng cần phải sử dụng các căn cứ đó để đề xuất, kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụngmột vấn đề cụ thể nhằm hướng tới mục đích làm lợi cho khách hàng nếu có cơ sở như: đề nghị đối chất, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định lại hay thay đổi biện pháp  ngăn chặn, kê biên tài sản…
Mặt khác, xuất phát từ đặc tính cơ bản của chứng cứ theo quy định tại đoạn đầu khoản 1 điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự, vấn đề đầu tiên cần tiến hành
Khi thực hiện việc đánh giá chứng cứ là rà soát để xác định tính hợp pháp của chứng cứ, điều này thể hiệc trong việc  chứng cứ đó được phát hiện, thu thập thế nào, có tuân thủ trình tự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự hay không? như: lời khai của bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có người giám hộ hay có cơ sở xác định rằng, lời khai được lấy khi có sự ép, mớm, bức cung ... thì những lời khai này không thể được coi là chứng cứ.
Sau khi xác định các tài liệu, văn bản, kết luận, vật dụng..... được thu thập theo đúng quy định của luật tố tụng (nghĩa là đảm  bảo tính hợp pháp) thì  thực hiện việc xem xét đánh giá về nội dung.
Cùng theo quy định tại khoản 1 điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự, thì đặc tính thể hiện nội dung được lấy ra từ nguồn chứng cứ chỉ được trở thành chứng cứ và có giá trị chứng minh khi đồng thời thể hiện tính khách quan, tính liên quan cùng với tính hợp pháp như đã nêu trên.
Tính khách quan của chứng cứ thể hiện ở chỗ các tài liệu, văn bản, vật dụng đã được thu thập phải phản ánh quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý trí chủ quan của bất cứ một người nào.
Đồng thời, chứng cứ phải là những gì liên quan đến vụ án hình sự đang được giải quyết. Bởi lẽ nếu không liên quan thì bản thân các tài liệu, văn bản, vật dụng ... đó không chứa đựng các thông tin cần thiết về vụ án và vì thế nó sẽ không có giá trị chứng minh.
Thực tế trong một số hồ sơ cụ thể, đã thể hiện quá trình điều tra, thu thập tài liệu, vật chứng .... một cách tràn lan nhưng thực tế các tài liệu đó lại không có giá trị chứng minh bởi không đáp ứng đặc tính có liên quan đến vụ án, do đó dẫn đến tình trạng hồ sơ thì dày ( nhiều tài liệu) nhưng những tài liệu có giá trị chứng minh lại quá ít, thậm chí thiếu những chứng cứ cơ bản dẫn tới không chứng minh được đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm.
Với thực trạng như vậy, khi đánh giá chứng cứ, luật sư cần nắm vững các đặc tính cơ bản của chứng cứ để có sự phân loại, phản bác và đưa ra quan điểm phù hợp kịp thời, có tính thuyết phục cao nhằm  bảo vệ có hiệu quả các quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Để đánh giá chứng cứ có hiệu quả, luật sư nên bám theo 4 yếu tố của cấu thành tội phạm và căn cứ vào tư cách tố tụng của người mà mình có trách nhiệm bào chữa hay bảo vệ để đánh giá xem xét. Xác định xem quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ hay không, đã đầy đủ chưa và từ đó chuẩn bị cho lập luận, quan điểm của mình để đề xuất.
Ví dụ: Là luật sư bào chữa trong vụ án mà bị cáo bị truy tố về tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kính tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ Luật Hình sự). Nhưng trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ hiện có, luật sư xác định rằng nội dung các tài liệu, chứng cứ đó chỉ tập trung chứng minh rằng quá trình thực hiện hợp đồng nhận thầu xây dựng, đơn vị thi công có những biểu hiện làm trái các quy định về quản lý kinh tế và trên cơ sở đó các cơ quan tiến hành tố tụng đã vội vàng truy tố các bị cáo (đơn vị thi công). Trong khi yếu tố thuộc yếu tố cấu thành tội phạm bắt buộc phải chứng minh trong tội này là hậu quả nghiêm trọng thì không đủ tài liệu chứng minh thậm chí các cơ quan tiến hành tố tụng còn sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ khi xác định hậu quả (lấy số tiền mà đơn vị thi công được ứng theo giai đoạn hoàn thành từng hạng mục để xác định đó là hậu quả thất thoát trong khi hợp đồng chưa thanh lý, các bên chưa quyết toán và chủ đầu tư xác định còn nợ đơn vị thi công, tổng giá trị công trình chưa được cơ quan chức năng phê duyệt ....). Mà như vậy việc truy tố là thiếu căn cứ và truy tố oan các bị cáo vì phạm tội chưa đủ yếu tố cấu thành.
Một ví dụ khác:
Là luật sư bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện của bị hại trong vụ án giết người (bị hại đã chết). Theo cáo trạng, bị cáo bị truy tố và toà án đưa ra xét xử theo khoản 2 điều 93 Bộ luật Hình sự với tình tiết : Trong quá trình bị hại lời qua tiếng lại với mẹ bị cáo và dùng thanh sắt phi 16 dài khoảng 40 – 50 cm đánh vào cánh tay bà ta nên bị cáo ở trong nhà đã cầm dao lao ra đâm  chết bị hại. Nhưng về tình tiết này, qua nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ khi đánh giá chứng cứ để chứng minh, luật sư thấy rằng, dấu vết bầm tím trên cánh tay bà mẹ mà cáo trạng xác định đó là chứng cứ chứng minh rằng có việc bị hại dùng thanh sắt gây ra nên để bảo vệ quan điểm truy tố theo khoản 2 - điều 93 Bộ luật Hình sự (loại trừ tình tiết côn đồ) được thể hiện như sau: sau khi vụ án xảy ra 5 ngày thì bà ta tự đến trạm y tế phường để khám và sau đó từ chối giám định. Duy nhất chỉ có một giấy chứng thương do trạm y tế phường cấp thể hiện về dấu vết thương tích đó.
Với tài liệu này, đối chiếu với các thuộc tính cơ bản của chứng cứ theo quy định tại khoản 1 điều 66 Bộ luật tố tụng Hình sự thì đã được hình thành không đúng trình tự của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Hơn nữa sau khi vụ án xảy ra 5 ngày thì bà ta mới tự đến khám. Vậy có hay không mối quan hệ nhân quả để xác định rằng dấu vết thương tích đó do việc bị hại dùng thanh sắt gây nên? Như vậy tính có liên quan đến vụ án có đáp ứng không?
Mặt khác, tại sao ngay sau khi xảy ra vụ án mấy tiếng. Cơ quan điều tra đã đến làm việc, ghi lời khai mà bà ta không hề nhắc đến, không khai về chi tiết này? như vậy lời khai về dấu vết đó có thể hiện đúng quy luật khách quan, phù hợp với tâm lý thông thường hay không?
Căn cứ vào các thuộc tính cơ bản của chứng cứ, qua việc phân tích lập luận để đánh giá, luật sư thấy rằng giấy chứng thương thể hiện dấu vết thương tích trên cánh tay bà mẹ bị cáo không thể coi là chứng cứ để chứng minh lỗi của bị hại. Do đó tình tiết này cần loại trừ và như vậy đương nhiên hành vi phạm tội của bị cáo đã đáp ứng với tình tiết “ có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm n – khoản 1 - điều 93 Bộ luật Hình sự.
Qua những ví dụ trên thấy rằng vấn đề đánh giá chứng cứ rất phức tạp và cũng rất quan trọng. Cùng một hồ sơ, cùng những tài liệu đó nhưng quan điểm đánh giá lại khác nhau rất xa, vì vậy để bảo vệ có hiệu quả cho khách hàng luật sư phải trau dồi khả năng, phương pháp, đánh giá chứng cứ kết hợp với  việc đưa ra chứng cứ đúng thời điểm, sử dụng chứng cứ để phân tích, chứng minh những vấn đề cụ thể cho chặt chẽ, logic, cách thức, phương pháp trình bày mang tính thuyết phục, lôi cuốn kết hợp với khả năng hùng biện của luật sư sẽ là những yếu tố quan trọng đưa luật sư tới thành công trong hành nghề

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Security] Internet blackout scheduled in protest of SOPA