[Việt Nam 2012] Phát triển đất nước: Thực trạng và Tương lại - Tác giả: Nguyễn Trung

Ta đi một bước, thiên hạ cũng đi một bước

Phải, sau 22 năm đổi mới, thu nhập theo đầu người của nước ta tăng 4 lần, việc xoá và giảm đói nghèo được thế giới nêu gương. Báo chí thế giới không hiếm những dự báo về một “con hổ”, “con rồng” Việt Nam ở Đông Nam Á đang vươn vai ra khỏi giấc ngủ của mình… Tất cả đều là sự thật. Tất cả là những kỳ tích không phải một nước đang phát triển nào trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 có thể làm được. Báo chí và dư luận thế giới đánh giá cao sự ổn định mọi mặt, có ấn tượng sâu sắc về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục đứng thứ hai thế giới của nước ta trong thập niên này... Thực tế đúng là như vậy. Đấy là niềm tự hào lớn của đất nước, là một trong những yếu tố quan trọng để các đối tác nước ngoài “chọn mặt gửi vàng”, ngày càng mở rộng quan hệ làm ăn với nước ta.

Nếu lấy mức tăng GDP theo đầu người, lấy kim ngạch buôn bán với bên ngoài và FDI làm thước đo, Việt Nam là một nền kinh tế năng động trong khu vực với nhiều triển vọng hứa hẹn. Nhất là từ hai năm nay những tiến bộ nhiều mặt của đất nước đang có triển vọng mở ra những bước đột phá mới - đặc biệt là thị trường vốn đang phát triển mạnh, nền kinh tế đất nước đang đem đến cho thị trường ngày càng nhiều sản phẩm mới. Là người Việt Nam, mỗi chúng ta có lẽ hiểu sâu sắc hơn ai hết những gì đã phải trải qua để đạt được những thành tựu rất có ý nghĩa này. Một thời kỳ phát triển mới của đất nước đang hé mở…

Trong mỗi chiến thắng, trong mỗi thành tựu giành được thường ấp ủ những mầm mống của những vấn đề mới. Đơn giản là chiến thắng nào, thành tựu nào cũng phải trả giá, cũng đặt ra những đòi hỏi mới, thách thức mới. Cuộc sống cũng cho thấy những vấn đề mới, những thách thức mới đến từ những chiến thắng, từ những thành tựu nếu không được xử lý, có thể trở thành những yếu tố dẫn đến thất bại mới bằng con đường ngắn nhất. Ví dụ nóng hổi là quản lý một nền kinh tế xuất khẩu tới 60 – 70% sản phẩm làm ra hàng năm như của nước ta hiện nay, FDI chiếm tới 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm... Hiển nhiên, tình hình này đang đặt ra những vấn đề, những thách thức hoàn toàn khác so với thời nền kinh tế bao cấp khép kín. Muốn thắng nghèo nàn lạc hậu, phải thường xuyên nhìn thẳng vào những mầm mống nguy cơ mới này với tầm nhìn dài hạn. Nhất là không được mất cảnh giác, không được tự ru ngủ mình.

Tốc độ tăng trưởng GDP 7 – 8% liên tục trong nhiều năm là một trong những thế mạnh của đất nước. Thế nhưng đã đến lúc phải nhìn sâu vào những hẫng hụt, những mất cân đối nhiều mặt đang tích tụ lại trong quá trình tăng trưởng này – ví dụ: giữa tầm nhìn và chiến lược kinh tế đang thực thi, giữa yêu cầu phát triển và năng lực quản lý, giữa cầu và cung trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, giữa số lượng và chất lượng của toàn bộ nền kinh tế, trên hết cả là giữa những đòi hỏi và khả năng đáp ứng trong việc phát triển nguồn nhân lực… Sự tăng trưởng năng động hiện nay nếu không nâng cao được chất lượng tăng trưởng sẽ nói lên điều gì?

Dưới đây xin nêu một số vấn đề, những yếu kém, những tồn tại cần khắc phục trong quá trình phát triển đất nước.

Câu chuyện : Ta đi một bước, thiên hạ cũng đi một bước. Ta chạy một bước, thiên hạ cũng chạy một bước.

Đi và chạy cật lực như thế, năm 1986 – năm bắt đầu công cuộc đổi mới – thu nhập theo đầu người của ta kém Trung Quốc 200USD, kém Thái Lan 997 USD, kém Malaysia 1950 USD, kém Indonesia 550 USD, kém Philippines 440 USD, kém Hàn Quốc 6940 USD… Cũng so sánh như vậy, năm 2006 thu nhập của ta kém Trung Quốc 1100 USD, Thái lan 2140 USD, Malaysia 4520 USD, Indonesia 750 USD, Philippines 420 USD, Hàn Quốc 17.000 USD… (tham khảo thêm thống kê của IMF 2007). Nghĩa là ta càng chạy như hiện nay khoảng cách thu nhập so với những nước này càng rộng ra!

Một hình ảnh cụ thể: Khoảng cùng thời gian ta khởi công xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài, Thái Lan cũng tiến hành xây dựng sân bay mới Suvarnabhumi cho Bangkok (thay thế sân bay Donmuang cũ). Hai sân bay mới này có quá nhiều chỉ số (cứ tạm đo lường theo số lượng các cổng (gates) ra máy bay và những tiện ích khác của mỗi bên). Nếu cho điểm nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài mới của ta là 1 thì có lẽ phải cho điểm Suvarnabhumi là 10. Ngay so với Donmuang cũ, Nội Bài mới của ta cũng kém xa! Nghĩa là ta đi một bước, bạn cũng đi một bước, nhưng sự khác nhau cụ thể thật lớn! Còn hệ thống đường xá của Thái Lan, có lẽ phải hai ba mươi năm sau ta mới đuổi kịp bạn ở mức hôm nay – với điều kiện có quy hoạch tổng thể khoa học, làm công trình nào xong đứt đoạn công trình ấy, chứ không dang dở và kéo dài lê thê, gối đầu triền miên năm nay qua năm khác như đang diễn ra khắp nước ta..

Một so sánh nữa: Tập đoàn dầu khí Petro Vietnam và tập đoàn dầu khí Malaysia Petronas ra đời gần như cùng một thời điểm năm 1974, đều là tập đoàn của quốc gia. Thế nhưng từ giữa thập kỷ 1990 Petronas đã vươn ra đầu tư và khai thác nhiều nơi trên thế giới và trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tổng hợp lớn nhất của Malaysia. Trong khi đó Petro Vietnam cho đến hôm nay vẫn chưa phải là nhà kinh doanh lớn nhất ngay trong vùng biển của mình, hầu như chưa vươn ra khỏi vùng biển nước mình, nhà máy lọc dầu Dung Quất 9 năm chưa hoàn thành… Tôi thực sự băn khoăn về giá thành, tính hiệu quả kinh tế và khả năng sinh lời của công trình này. Có thể giải thích công khai được không? Âu cũng là ta đi một bước, bạn đi một bước!

Báo chí thế giới gần đây nói nhiều về Campuchia hiện nay: Một nước mà người dân ở đây trước kia không biết gì hơn là mưa và ruộng lúa, thời Polpot đã xoá bỏ cả tiền tệ… Thế nhưng trong ngôn ngữ đời sống của họ hôm nay đã xuất hiện những từ ngữ mới: Chứng khoán, trái phiếu… FDI đang tăng vọt ở thị trường nước này. Đáng chú ý là hàng may mặc xuất khẩu của Campuchia đã cạnh tranh ngang ngửa với sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới cũng như ngay tại nước ta. Kinh tế Campuchia còn rất nhiều vấn đề - từ tham nhũng đến sự thiếu công khai minh bạch trong thực thi luật pháp như bất kỳ một nước đang phát triển nào ở thời kỳ ban đầu này. Tuy nhiên, điều khác với nhiều nước đang phát triển khác là sự ổn định ngày càng gia tăng, chính phủ quyết tâm vận dụng cơ chế kinh tế thị trường trong khung khổ của WTO, người tài được thu dụng và được đưa vào nhiều trọng trách trong cơ quan nhà nước, sự điều hành đất nước đang hướng về pháp quyền theo những điều kiện cụ thể của đất nước này.

Hàn thử biểu thứ nhất để đo sự phát triển của Campuchia hiện nay là: cho đến hết thập kỷ trước, kinh tế Campuchia chỉ tăng trưởng khoảng 5% năm hoặc thấp hơn, với lạm phát là 2 con số. Song từ 3 năm nay tăng trưởng GDP bình quân của Campuchia là 11,4% (cao hơn Việt Nam), với chỉ số lạm phát khoảng 5% (năm 2006 chỉ số này là 4,7% - IMF 2007). Hàn thử biểu thứ hai để đo sự phát triển này là nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc đang rót vốn vào nhiều đề tài kinh tế quan trọng, thị trường chứng khoán đã xuất hiện, Chính phủ Campuchia được đánh giá là chính phủ thân thiện với kinh doanh. Một nhà kinh tế Hàn Quốc nhận định: Sự hoang dã trong nền kinh tế Campuchia hiện nay không khác gì tình hình ở Hàn Quốc cách đây nửa thế kỷ, thế nhưng Campuchia đã đi tới một điểm… “…con chuột nhắt châu Á – bài báo này ví Campuchia như vậy - sẽ gầm lên!..” (Tham khảo bài “Cambodia, long an Asian mouse, may be ready to roar” của Erika Kinetz, International Herald Tribune, Friday, July 27, 2007 và nhiều bài khác về đề tài này )

Rõ ràng ta đi một bước, Campuchia cũng đi một bước, song rồi đây ai biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào?

Xin hãy đến thăm một xí nghiệp có FDI về ô-tô ở Trung Quốc

Có thể nhận thấy ngay Trung Quốc cũng bắt đầu từ FDI, đã đi qua đủ những cung đoạn, từ lắp ráp, gia công, tham gia chế tác.., bây giờ là tiến lên tự chế tác, tự thiết kế, tự sản xuất và tự đặt ra thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình… Tự nhiên bạn sẽ hiểu ngay vì sao ô-tô Trung Quốc đã bắt đầu len được vào thị trường Mỹ và châu Âu! Tất cả những cung đoạn này Trung Quốc đã đi qua trong vòng 30 năm! Tất cả những cung đoạn này nói lên ý chí và nội dung phát huy nội lực - và hình như rất khác với nội dung phát huy nội lực của ta. Trung Quốc còn có nhiều sản phẩm công nghệ cao khác đã trải qua con đường như thế…

Tôi tự hỏi, tầm nhìn nào, luật pháp nào và chính sách nào đã đưa Trung Quốc lên con đường này với những bước đi bài bản và ngoạn mục trong khoảng thời gian ngắn như vậy?

Ta cũng đi trên con đường này 22 năm rồi - nghĩa là 2/3 thời gian con đường Trung Quốc đã đi, hiện nay ta đang ở đâu?

Xin nói thêm, theo báo chí nước ngoài, có tới 70 - 80% công nghệ thuộc loại hiện đại nhất của Trung Quốc - như công nghệ vũ trụ, hạt nhân, tin học…là do những trí thức người Hoa học tập và sống ở nước ngoài làm ra hoặc đem về. Trung Quốc đã bắt đầu có bộ trưởng là người ngoài Đảng…

Trong vòng 3 thập kỷ, Trung Quốc từ một nền kinh tế khổng lồ lạc hậu trở thành công xưởng của cả thế giới, đang làm cho cả thế giới thán phục, kinh ngạc, sợ hãi.

Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tất cả sức mạnh chính trị, quân sự trong thời gian không xa, trong khi cứ tiếp tục giương cao ngọn cờ Xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Không ít những dự báo về sự xuất hiện siêu cường Trung Quốc. Cả thế giới – trước hết là các nước phát triển, đang lo lắng phải thay đổi như thế nào để thích nghi với thực tế này. Sự xuất hiện “công xưởng của thế giới” này được nhiều người đánh giá là sự kiện kinh tế quan trọng nhất trên thế giới kể từ cuộc cách mạng công nghiệp (bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII), vì nó đang biến đổi sâu sắc cấu trúc và quan hệ kinh tế thế giới hiện tại!

Sát nách cái “công xưởng của thế giới”, nước ta nghĩ gì? Ta đi một bước, Trung Quốc cũng đi một bước là như thế đấy (Tham khảo: “The Chinese Economy: Transitions and Growth” của Barry Naughton, The MIT Press, New York, 2007).

Nghĩ về tầm nhìn

Tất cả nhằm vào “hàm lượng trí tuệ cao hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn, chất lượng tốt hơn” - và đấy chính là giá trị đạo đức cao nhất! Bắt đầu ngay từ những bước đi thấp nhất. Không bắt đầu ngay từ bây giờ, thì đợi đến bao giờ? Hay không bao giờ?

Nghèo và lạc hậu, không phải là một bệnh, càng không phải là một số phận, mà là sản phẩm của một thực tế nhất định, bao gồm hai phần: khách quan và chủ quan. Điều quan trọng là trí tuệ, tầm nhìn, ý chí chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, tất cả cần được hun đúc thành sự đồng thuận của toàn dân tộc, kết tinh lại thành ý chí chính trị mãnh liệt của toàn dân tộc.

Nói một cách khác:

Chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, quyết thoát khỏi thân phận công dân hạng hai của thế giới phải là sự nghiệp và khát vọng của toàn dân tộc. Đặt ra được vấn đề như vậy, sẽ tìm ra con đường và sức mạnh đi tới mục tiêu.

Khát vọng này, ý chí chính trị này là yếu tố đầu tiên phải tạo ra trước khi bắt tay vào mọi việc khác - trước hết với ý nghĩa phải chiến thắng những yếu kém của chính bản mỗi con người chúng ta, phải chiến thắng những yếu kém của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta. Chỉ có sự phấn đấu của bản thân, dứt khoát không đổ lỗi cho một hoàn cảnh hay nguyên nhân nào cả.

Hãy nhìn ra cả thế giới, có những quốc gia sống trong những điều kiện còn ngặt nghèo hơn nước ta, họ đi lên được và thoát khỏi thân phận công dân thế giới hạng hai. Nước ta - một dân tộc đang lên, tuổi trẻ chiếm quá nửa dân số - tại sao không?

Dưới đây xin nêu lên một số ý kiến bàn thêm về khía cạnh chủ quan.

Sự ra đời của các “con hổ”, “con rồng” Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đều bắt đầu từ tầm nhìn của những người lãnh đạo đương thời.

Sự nghiệp cải cách ở Trung Quốc và những gặt hái thành công cũng bắt đầu từ tầm nhìn của Đặng Tiểu Bình.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam được dấy lên từ cuộc sống và cuối cùng trở thành đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, trước hết là nhờ đổi mới tư duy trong Đảng - nghĩa là cũng bắt đầu từ tầm nhìn.

Tầm nhìn như thế ở tất cả các nước nói trên, kể cả nước ta, có đặc trưng chung là thừa nhận xu thế vận động khách quan của sự vật - ở đây là những vấn đề mang tính quy luật phát triển khách quan của một quốc gia, và nhận thức được sự gắn kết tất yếu giữa phát triển đất nước mình với xu thế phát triển chung của thế giới, phấn đấu cho nước mình trở thành một bộ phận năng động của kinh tế thế giới - đó cũng là cách khai thác tốt nhất mọi thuận lợi và đối phó chủ động nhất đối với mọi thách thức trong quá trình toàn cầu hoá.

Dựa vào thực tiễn của 20 năm đổi mới, có thể nói tầm nhìn như vậy đòi hỏi loại bỏ triệt để mọi duy ý chí, và phải có ý chí sắt đá phát huy sức mạnh dân tộc và dân chủ. Có tầm nhìn trở thành ý chí chính trị như vậy, mới có những thứ khác. Mọi thành tựu đạt được của đổi mới khẳng định điều này. Thực chất của công cuộc đổi mới ở nước ta trước hết là một quá trình tìm cách giải phóng và phát huy sức mạnh dân tộc, dân chủ.

Những điều vừa trình bày trên cho phép kết luận: Nhìn ra được xu thế vận động của sự vật, tìm ra được cách giải phóng mọi nguồn lực để làm chủ xu thế vận động này, đó chính là nội dung tầm nhìn cần phải có để thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu và để không phải chịu hèn.

Cái gì làm cho nước ta gần như trong một đêm từ nước thường xuyên thiếu đói phải nhập lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực có hạng trên thế giới?
Cái gì làm cho nền kinh tế tự cung tự cấp của nước ta ngày nay trở thành một nền kinh tế xuất khẩu tới 60% của cải làm ra hàng năm?
Cái gì trước hết, nếu không phải là tầm nhìn - xuất phát từ tư duy đã được đổi mới?
Cái gì trước hết đang gây ra những hẫng hụt, những ách tắc, những mất cân đối đang tồn tại trong nền kinh tế nước ta, cái gì cản trở việc khắc phục những yếu kém trong hệ thống chính trị và quản lý đất nước của ta, nếu trước hết không phải là tầm nhìn bất cập?

Như vậy, phải chăng có đủ lý lẽ để nói:

Cái trước hết có thể làm cho đất nước giàu mạnh là tầm nhìn đúng đắn trở thành một ý chí chính trị; cái kìm hãm lớn nhất sự phát triển của đất nước là tầm nhìn bất cập.

Thiết nghĩ vấn đề bức xúc nhất là cần mổ xẻ thấu đáo mọi khả năng giải phóng mọi nguồn lực làm đất nước giàu mạnh, bắt đầu sự nghiệp này từ mở rộng tầm nhìn. Vấn đề bức xúc khác là vạch ra để khắc phục mọi nhân tố kìm hãm phát triển đất nước có nguồn gốc từ tầm nhìn. Mọi giá trị tư tưởng, đạo đức phải được soi rọi và xác lập từ tầm nhìn mới này.

Lợi ích của sự nghiệp phát triển đất nước, lợi ích bảo vệ an ninh và ổn định của đất nước đang cấp thiết đòi hỏi huy động những bộ não kiệt xuất của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta, trong nước cũng như ngoài nước - trước hết từ giới trí thức, giới doanh nhân, những người làm chính sách - đưa ra tầm nhìn làm thay đổi cuộc chạy đua “ta đi một bước, thiên hạ cũng đi một bước” như đã diễn ra trong hai mươi năm đổi mới đầu tiên của đất nước! Thời kỳ này sang trang rồi, phải hạn chế dần và tiến tới từ giã hẳn chạy đua bằng huy động lao động cơ bắp và tài nguyên thiên nhiên là chủ yếu (cũng có nghĩa là chạy đua bằng công nghệ thấp và bán môi trường tự nhiên là chủ yếu), để tìm một phương thức chạy đua mới - bằng cách xây dựng lợi thế so sánh mới trên cơ sở phát huy nguồn lực con người và khai thác hội nhập quốc tế.

Chuyển sang chạy đua bằng xác lập và phát huy lợi thế so sánh mới như vậy là một cuộc phấn đấu vô cùng gian khổ, quyết liệt và toàn diện, bởi vì phải xoá bỏ nhiều cái cũ, phải tạo ra nhiều cái mới - từ cách nghĩ, thể chế, chính sách, cơ chế, đến các điều kiện tinh thần, vật chất, kỹ thuật, văn hoá… để phát huy được nguồn lực con người và khả năng sáng tạo của nó, để khai thác xu thế hội nhập.

Về nhiều mặt, tạo ra lợi thế so sánh mới như thế, đòi hỏi mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc chúng ta phải dấn thân vào một cuộc phấn đấu mới thay đổi và nâng cao chính bản thân mỗi chúng ta, không trừ một ai. Người có địa vị kinh tế, chính trị, xã hội, trình độ học vấn càng cao, trách nhiệm này của họ càng lớn; tất cả phải được thử thách, được tôi luyện, sàng lọc qua quá trình phấn đấu mới này. Muốn đưa đất nước ta đi lên, mỗi người chúng ta - không có một sự phân biệt nào - đều phải đem hết trí tuệ, nghị lực và lòng yêu nước mà phấn đấu như vậy và chấp nhận sự sàng lọc của cả nước - không thể gia giảm hay ăn bớt được đối với bất kỳ một ai.

Nếu muốn, cũng có thể gọi sự nghiêp đổi mới lợi thế so sánh như thế nhất thiết phải tiến hành, tất cả nhằm vào “hàm lượng trí tuệ cao hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn, chất lượng tốt hơn” - và đấy chính là giá trị đạo đức cao nhất! Bắt đầu ngay từ những bước đi thấp nhất. Không bắt đầu ngay từ bây giờ, thì đợi đến bao giờ? Hay không bao giờ?

Xin hãy từ tầm nhìn này để huy động mọi trí tuệ.
Sự nghiệp của toàn dân, đất nước của nhân dân
Sự nghiệp chuyển đổi sang xây dựng và phát huy lợi thế so sánh mới trở thành sự nghiệp của toàn dân, làm cho người dân cảm nhận sâu sắc sự nghiệp của đất nước cũng là của chính mình, đất nước này là của mình, không có gì là trừu tượng cả.
Chân lý vô cùng đơn giản này, không đơn giản chút nào.
“Nhà nước của dân, do dân, vì dân” được nhắc đến hàng ngày.

Song trong cuộc sống hàng ngày còn cho thấy có biết bao nhiêu chuyện:
 Tham nhũng, tiêu cực, bất cập, quan liêu..., nền hành chính hiện hành đang được dân gian tặng cho cái tên “hành là chính”, công việc làm ăn của người dân còn bị biết bao nhiêu bất cập của việc thực thi luật pháp kìm hãm, những bất cập của nhiều chính sách cản trở, đời sống kinh tế còn quá nhiều vấn đề khó tiên liệu trước cho làm ăn lâu dài - trước hết là những vấn đề xuất phát từ luật pháp còn nhiều chồng chéo và không rành mạch; chất lượng của những phúc lợi từ dịch vụ công cũng như từ những dịch vụ xã hội khác mà người dân phải được hưởng nhìn chung thấp so với nhiều nước cùng trình độ phát triển như nước ta - đặc biệt là những vấn đề lớn trong giáo dục và y tế…

Trong nông nghiệp:
 đang cộm lên vấn đề hạn điền, tình trạng khiếu kiện đất đai hiện nay… Vấn đề thời gian quyền sử dụng đất hết hạn vào năm 2013 mặc nhiên được kéo dài thêm 20 năm (theo cách giải thích mới của Điều 34 Nghị định 181/2004 ngày 29/10/2004) lại đặt ra vấn đề quyền sở hữu đất đai chưa được luật pháp xác định rõ ràng, đẻ ra nhiều hậu quả rối ren. Gần đây lại rộ lên câu chuyện kết quả điều tra cho thấy hàng loạt doanh nghiệp mỗi năm phải chi dùng tới 1900 giờ làm việc riêng cho một việc nộp thuế.

Nền kinh tế đang tăng trưởng năng động, nhưng cũng đang đặt ra biết bao nhiêu vấn đề mới -
từ chất lượng của tăng trưởng, chất lượng lực lượng lao động, đến những đòi hỏi bức bách về kết cấu hạ tầng, về quy hoạch phát triển, về năng lực quản lý... đất đai, năng lượng, nguồn nước… ngày càng khan hiếm, cạnh tranh kinh tế với thế giới bên ngoài ngày càng quyết liệt… thế nhưng phương hướng xử lý những vấn đề trọng đại này như thế nào? Huy động nguồn lực nào, phát huy trí tuệ và sự sáng tạo nào để giải quyết?

Còn nhiều vấn đề quan trọng liên quan mật thiết đến người dân,
 đến đời sống của đất nước không phải do dân quyết định, mà là do làm hộ, làm thay, - từ việc chọn người đại diện cho mình, đến những quyết sách lớn… - thể hiện rõ nhất qua vai trò, năng lực và quyền lực còn nhiều mặt hạn chế của Quốc hội, Hiến pháp chưa trở thành Luật tối thượng, vẫn chưa có toà án Hiến pháp. Trong những điều kiện như vậy đất nước đang có trong tay môi trường pháp lý, kinh tế, chính trị, xã hội nào để cho mọi nguồn lực của đất nước - trước hết là nguồn lực con người - có thể nảy nở, phát huy?

Tỷ lệ người trẻ và đang tuổi lao động chiếm quá nửa dân số nước ta
người người trong cả nước đang khao khát tìm cho mình con đường đi tới một cuộc sống thịnh vượng, văn minh, hạnh phúc. Mỗi năm có gần hai triệu người đến tuổi lao động cần việc làm, tiến lên nước công nghiệp hoá vào năm 2020 mà vẫn còn tới 70% lao động trong nông nghiệp. Mỗi năm có khoảng 6 - 7 trăm nghìn học sinh không tốt nghiệp đại học và đang cần tìm cho mình hướng đi khác trên con đường lập nghiệp.

Thị trường vốn của ta - một trong những yếu tố quyết định sự phát triển năng động của đất nước -
 đang mở rộng, nguồn FDI đang tăng nhanh, đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội lớn. Điều kiện bên trong bên ngoài đang cho phép đất nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới… Chiến lược nào, quyết sách gì để dấy lên được hào khí phấn đấu và nghị lực sáng tạo của từng người dân, để chiến thắng mọi thách thức, để cho cơ hội vàng này của đất nước phải trở thành hiện thực?

Vân… vân…

Những yếu kém đang tồn tại nêu trên trong hệ thống chính trị nói lên nhà nước này còn những khía cạnh chưa hoàn toàn “của dân, do dân, vì dân”. Những đòi hỏi cho yêu cầu phát triển mới của đất nước đang đặt ra cho nhà nước của dân do dân vì dân nhiều nhiệm vụ rất mới.

Tất cả những điều vừa trình bày có thể cho phép kết luận:

Khắc phục những khía cạnh yếu kém đang tồn tại trong lòng hệ thống bộ máy nhà nước hiện tại, làm cho nhà nước này có đủ khả năng và phẩm chất hậu thuẫn mạnh mẽ sự vươn lên giai đoạn phát triển mới của đất nước, đó chính là con đường làm cho sự nghiệp chuyển đổi sang xây dựng và phát huy lợi thế so sánh mới trở thành sự nghiệp của toàn dân, làm cho người dân cảm nhận sâu sắc sự nghiệp này của đất nước cũng là của chính mình, đất nước này là của mình, không có gì là trừu tượng cả.

Cần nói với nhau dứt khoát: Không làm được như vậy, người dân coi đất nước này là của ai khác, chứ không phải là của mình, sự nghiệp này là của ai khác chứ không phải là của mình!

Thiết nghĩ, khắc phục những khía cạnh còn tồn tại như thế, tạo ra những khả năng và phẩm chất mới như thế của hệ thống chính trị như trình bày bên trên là nội dung đích thực và cụ thể của nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị, làm cho hệ thống chính trị theo kịp sự phát triển của đất nước. Đấy là một trong những nhiệm vụ trọng đại nhất đã được ghi vào Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Có rất nhiều việc cụ thể phải làm và phải được tiến hành đồng bộ ở mọi ngành, mọi cấp, trong toàn hệ thống và trong toàn xã hội. Thực tế này cho thấy công cuộc đổi mới đang bước vào một giai đoạn cao hơn. Đổi mới như thế, hiển nhiên là cực kỳ khó khăn và quyết liệt. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang đảm nhiệm trước dân tộc là bảo đảm cho công cuộc đổi mới ở giai đoạn này hoàn thành nội dung nói trên của nó.

Tựu trung lại, những công việc phải làm trong đổi mới hệ thống chính trị là nhằm đem lại cho người dân những điều sau đây:

1. Bảo hộ quyền sở hữu và sự làm giàu hợp pháp.
2. Bảo đảm quyền tự do của con người.
3. Luật pháp là tối thượng và vận dụng bình đẳng đối với mọi người.
4. Tự do kinh doanh trong cơ chế thị trường.
5. Thực hiện công khai minh bạch.
6. Nhà nước đóng vai trò bà đỡ mọi bước phát triển của đất nước.
7. Bảo đảm hoà bình cho đất nước và ổn định cho xã hội.

Đặt ra mục tiêu như thế, sẽ vượt lên được những khẩu hiệu chung chung, sẽ thấy rõ hướng đi, những việc phải làm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước. Có cách hiểu nào khác đúng hơn, tốt hơn về nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị ghi trong Nghị quyết Đại hội X không? Hay là tôi hiểu sai nghị quyết?

Thay lời kết: "Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh"

Đấy là chương trình hành động của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cách đây 100 năm, do Phan Châu Trinh và các bậc cùng chí hướng đã đề xướng ra để vực đất nước đứng dậy. Ngày nay, vào thời điểm đất nước đã giành được độc lập thống nhất, Việt Nam là một thành viên đầy đủ trong mọi tổ chức quốc tế và khu vực của cộng đồng các quốc gia trên thế giới, ước vọng của những bậc thầy ngày ấy lại càng thôi thúc mỗi người dân Việt chúng ta hôm nay phải thức tỉnh nhiệm vụ của mình và hành động.

Muốn thoát cái nhục nghèo hèn ngày nay của một nước độc lập, hiển nhiên phải dấy lên hào khí dân tộc Mọi người phải được bồi bổ trí tuệ để phát huy chính mình, từ đó mới có thể cùng nhau mưu cầu quốc kế dân sinh thịnh vượng.

Suy cho cùng, hào khí dân tộc và dân trí với nghĩa như vậy là những yếu tố hàng đầu không thể thiếu để phát huy nguồn lực quý báu nhất của đất nước là con người - nhân tố quyết định nhất để chuyển sang phát huy lợi thế so sánh mới. Nói rộng hơn nữa, lợi thế so sánh mới chỉ có thể hình thành và phát huy trên một nền tảng văn hoá của những giá trị mới.

Nếu như trên thế giới 30 - 40 năm là thời gian để một nước đang phát triển trở thành con hổ, con rồng, để Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, phải chăng nước ta như thế là đi quá chậm? Phải chăng chúng ta giác ngộ về cái nhục của một đất nước nghèo chậm hơn, khó khăn hơn giác ngộ nỗi nhục mất nước? Cũng vì lý do này mỗi chúng ta chưa đủ bức xúc về cái thận phận công dân thế giới hạng hai đang mang nặng trên vai? Không thể không nêu lên câu hỏi này và phải tự trả lời.

Cuộc sống cũng cho thấy: Tuy không có gươm dao bom đạn, nhưng cuộc đấu tranh đẩy lùi nghèo nàn của đất nước hình như gian khổ phức tạp hơn nhiều lần, bởi vì về nhiều mặt trước hết đấy là cuộc đấu tranh chiến thắng những yếu kém, tha hoá trong mỗi con người chúng ta, trong hệ thống chính trị của đất nước.

Vấn đề đặt ra không phải là tranh giành địa vị quốc gia hoặc danh vọng hão huyền, muốn làm một quốc gia xứng đáng với lịch sử hào hùng của mình, nhất thiết dân tộc ta cần phấn đấu làm cho đất nước thoát khỏi thân phận nghèo, dấn thân vì người và vì mình. Muốn tới cái đích này, trước hết phải bắt đầu từ chính mình.

Lấy cái tựa Việt Nam 2012 cũng như một số bài báo về chủ đề này chủ yếu gợi cho người đọc 1 cái nhìn nhiều chiều về Chính trị -Kinh tế- Xã hội Việt Nam để từ đó, có những đánh giá và cơ sở để hoạch định những mục đích của bản thân.........
Về bản thân mình, tôi ko tham gia chỉ nêu 1 lời bàn nhỏ, học giả phương tây gọi Đổi mới là "Doi Moi" Policy :)

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork 1