[Lý thuyết] Lỗi - Mặt chủ quan của Tội phạm
8.2. LỖI
8.2.1. Khái niệm lỗi
Lỗi là biểu hiện về mặt tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.
Biểu hiện về tâm lý của người phạm tội là nội dung dấu hiệu lỗi. Cấu trúc trong quan hệ tâm lý của con người nói chung và của người phạm tội nói riêng được hợp thành bởi 2 bộ phận là lý trí và ý chí đối với các biểu hiện của mặt khách quan là hành vi khách quan và hậu quả của tội phạm. Cụ thể:
- Lý trí: Là khả năng nhận thức tính chất nguy hiểm của hành vi và khả năng nhận thức hậu quả của hành vi đó.
- Ý trí: Là khả năng điều khiển hành vi và khả năng điều khiển hậu quả.
Dựa vào cấu trúc trong yếu tố lỗi, hình thức lỗi được chia làm 2 loại là lỗi cố ý và lỗi vô
ý.
8.2.2. Lỗi với vấn đề tự do (xử sự) và trách nhiệm hình sự
Thuyết cổ điển cho rằng con người phạm tội là do nguyên nhân xã hội. Muốn loại trừ tội phạm thì phải cải tạo chính xã hội đó.
Thuyết thực luận cho rằng con người phạm tội là do nguyên nhân chủ quan của người đó. Muốn loại trừ tội phạm thì phải cải tạo chính con người đó.
Quan điểm Mác - Lênin cho rằng con người phạm tội là do nguyên nhân khách quan chi phối (đó là điều kiện kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội). Nhưng các nguyên nhân này tác động đến con người không phải một cách máy móc mà thông qua sự suy xét, sự nhận thức về lý trí và sự quyết định về ý trí của họ (đó là nội dung phản ánh dấu hiệu lỗi). Trong trường hợp này đứng trước các nguyên nhân khách quan đó họ đã hoàn toàn tự do lựa chọn một biện pháp xử sự đó là thực hiện hành vi phạm tội nên họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình đã thực hiện.
Ví dụ: Điều kiện xã hội lương thấp hoặc thất nghiệp dẫn đến con người có thể lựa chọn một trong các biện pháp xử sự:
1/ Trộm cắp.
2/ Kiếm việc làm thêm. 3/ Hạn chế khoản chi.
4/ Tăng cường huy động nguồn viện trợ vv...
Con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình là do họ hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn các biện pháp xử sự. Nếu họ lựa chọn biện pháp xử sự bị pháp luật hình sự cấm là trộm cắp tài sản của người khác thì họ phải chịu TNHS về hành vi của mình. Bởi vì, trong hoàn cảnh này họ họ hoàn toàn có tự do ý chí.
Tự do ý trí: Là khả năng tâm lý của một người có thể tự mình lựa chọn và thực hiện biện pháp xử sự trong những điều kiện xã hội nhất định.
Tự do là cơ sở của TNHS đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
Nếu hành vi của con người hoàn toàn mất tự do nghĩa là họ không có lỗi và họ không phải chịu TNHS. Ví dụ trường hợp bị cưỡng bức về tinh thần.
Nếu người thực hiện hành vi bị mất một phần tự do thì được miễn một phần TNHS. Mức độ TNHS phụ thuộc mức độ tự do ý chí.
8.2.3. Lỗi cố ý trực tiếp
Lỗi cố ý trực tiếp được quy định tại Khoản 1, Điều 9 BLHS “Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả xảy ra”.
Với khái niệm trên cho thấy lỗi cố ý trực tiếp được thể hiện như sau:
Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả tất yếu xẩy ra hoặc có thể xảy ra.
Về ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra.
Trong CTTP của đa số các tội phạm trong BLHS được quy định bởi hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Ví dụ: các tội xâm phạm sở hữu, các tội phạm chức vụ.
Đối với những tội phạm có CTTP hình thức mức độ hình dung về hậu quả không cần phải rõ ràng, cụ thể vì hầu hết loại CTTP này hậu quả khó xác định. Trên thực tế có một số tội hậu quả dễ xác định đòi hỏi người phạm tội phải hình dung về hậu quả rõ ràng. Ví dụ Tội cướp tài sản.
8.2.4. Lỗi cố ý gián tiếp
Lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại Khoản 2, Điều 9 BLHS: “Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra”.
Với khái niệm trên cho thấy lỗi cố ý gián tiếp được thể hiện như sau:
- Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả có thể xảy ra.
- Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng bỏ mặc không quan tâm đến hậu quả, hậu quả xảy ra như thế nào cũng chấp nhận.
Chỉ có một vài tội được quy định trong BLHS với lỗi cố ý gián tiếp. Ví dụ: Tội bức tử, tội giết người, tội cố ý gây thương tích.
8.2.5. Lỗi vô ý vì quá tự tin.
Lỗi vô ý vì quá tự tin được quy định tại Khoản 1, Điều 10 BLHS: “Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi của người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc nếu xảy ra thì có thể ngăn ngừa được”.
Với khái niệm trên cho thấy lỗi vô ý vì quá tự tin được thể hiện như sau:
- Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức rõ hậu quả có thể xảy ra.
- Về ý chí: Người phạm tội loại trừ khả năng hậu quả xảy ra.
Cơ sở để người phạm tội loại trừ khả năng hậu quả xảy ra trong lỗi vô ý vì quá tự tin là người phạm tội chủ quan tin vào kinh nghiệm, thói quen, tin vào khả năng chuyên nghiệp vụ của mình. Nhưng hậu quả thiệt hại vẫn xảy ra trên thực tế.
Nếu niềm tin của người phạm tội phù hợp với thực tế khách quan nghĩa là hậu quả không xảy ra trên thực tế thì họ không phải chịu TNHS. Chính vì vậy, hầu hết các tội thực hiện với lỗi vô ý là các tội có CTTP vật chất.
8.2.6. Lỗi vô ý do cẩu thả
Lỗi vô ý do cẩu thả được quy định tại Khoản 2, Điều 10 BLHS: “Lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội tuy không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.
Với khái niệm trên cho thấy lỗi vô ý do cẩu thả được thể hiện như sau:
- Về lý trí: Người phạm tội trong lỗi vô ý do cẩu thả do cẩu thả nên không thấy trước hậu quả của hành vi nhưng trong điều kiện phải thấy trước và có thể thấy được hậu quả đó.
Như vậy, việc người phạm tội không thấy trước hậu quả của hành vi là do nguyên nhân chủ quan từ phía người phạm tội.
- Về ý chí: Trong lỗi vô ý do cẩu thả người phạm tội không có khả năng điều khiển được hành vi của mình (tức là người phạm tội không có ý chí). Vì về lý trí người phạm tội không nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và cũng không nhận thức được hậu quả của hành vi đó. Mà giữa lý trí và ý trí trong quan hệ tâm lý của người phạm tội là 2 yếu tố có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, lý trí có trước và làm tiền đề, ý chí phụ thuộc vào ý chí. Nếu khi hành động con người không có lý trí (không có khả năng nhận thức) thì không bao giờ có ý chí (không thể có khả năng điều khiển hành vi và hậu quả được).
Muốn xác định người phạm tội có thể nhận thức được hoặc buộc phải nhận thức được hậu quả đó hay không? phải đặt trong từng hoàn cảnh cụ thể mới có thể đánh giá và kết luận được.
Chúng ta có thể đưa ra một ví dụ thể hiện mối liên quan và sự khác nhau của 4 hình thức lỗi này như sau:
A vứt đồ vật qua cửa sổ từ tầng 5 xuống đất trúng đầu B, làm B chết. Trong tình huống này sẽ thuộc vào 4 trường hợp sau:
1/ Sẽ là lỗi cố ý trực tiếp, nếu trước khi ném đồ vật A có quan sát thấy B đang đứng dưới đất, A nhằm B ném, trúng B.
2/ Sẽ là lỗi cố ý gián tiếp, nếu trước khi ném đồ vật A có quan sát thấy B đang đứng dưới đất, A vẫn cứ ném, A không nhằm vào B nhưng không may lại trúng B.
3/ Sẽ là lỗi vô ý vì quá tự tin, nếu trước khi ném đồ vật A có quan sát không có ai, nhưng khi ném thì có B tới đó nên đã trúng đầu B.
4/ Sẽ là lỗi vô ý do cẩu thả, nếu trước khi ném đồ vật A không quan sát khi ném đã trúng
B.
Comments
Post a Comment
Để lại góp ý của bạn để blog của mình hoàn thiện hơn :))