[Tài liệu] Người chưa thành niên là người bị hại - người làm chứng

1.2. Đối với người chưa thành niên là người bị hại và người làm chứng
- Yêu cầu các quốc gia cần tiến hành các biện pháp để bảo đảm rằng người bị hại và người làm chứng trẻ em được tiếp cận công lý một cách thích hợp, được đối xử công bằng, được phục hồi, bồi thường và hỗ trợ xã hội. Tất cả những hoạt động có liên quan đến người bị hại và người làm chứng là trẻ em phải được tiến hành một cách thân thiện, nhạy cảm và trong môi trường phù hợp, tạo điều kiện đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của các em, tùy theo khả năng, độ tuổi, nhận thức và khả năng phát triển của các em, việc can thiệp vào đời tư của trẻ em được hạn chế tối đa.
- Việc giải quyết các vụ án liên quan đến người bị hại, người làm chứng là trẻ em cần được tiến hành càng nhanh càng tốt; trừ khi việc chậm trễ là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Phải bảo đảm cho người bị hại và người làm chứng chưa thành niên có những quyền cơ bản: quyền được bày tỏ quan điểm, ý kiến, niềm tin bằng ngôn ngữ riêng của mình; quyền được thông tin về thủ tục tố tụng, các quyền liên quan đến người bị hại, người làm chứng là trẻ em, các cơ chế hỗ trợ hiện có dành cho trẻ em khi tham gia vào quá trình xét xử, thời gian và địa điểm cụ thể mở phiên tòa, các cơ chế hiện có để xem xét lại quyết định có ảnh hưởng đến người bị hại, người làm chứng là trẻ em; quyền được hỗ trợ để thúc đẩy sự phục hồi về cả thể chất lẫn tinh thần và sự tái hòa nhập xã hội, bao gồm được tiếp cận và hỗ trợ từ các dịch vụ bảo vệ pháp lý, bảo vệ an toàn, tham vấn; quyền được bảo vệ an toàn, bao gồm bảo đảm an toàn cho người bị hại cũng như gia đình họ và người làm chứng khỏi bị đe dọa và trả thù; quyền được khắc phục thiệt hại và bồi thường tổn thất, bao gồm cả việc trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại hay tổn thất mà người bị hại đã phải gánh chịu, thanh toán chi phí phát sinh do việc bị xâm hại, và cung cấp các dịch vụ cũng như khôi phục quyền lợi; quyền được bảo vệ riêng tư, trong đó những thông tin liên quan đến sự tham gia của trẻ em vào quá trình tố tụng cần được bảo vệ để tránh việc bị đe dọa, trả thù và ảnh hưởng đến sự phục hồi, tái hòa nhập của các em.
- Yêu cầu các nhà chuyên môn cần tiến hành mọi nỗ lực để cho phép trẻ em là người bị hại và người làm chứng bày tỏ quan điểm và quan ngại của mình liên quan đến việc tham gia vào quá trình tố tụng; bằng cách: bảo đảm rằng trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong mọi trường hợp sẽ được tư vấn; bảo đảm cho trẻ em là người bị hại và người làm chứng có thể tự do bày tỏ quan điểm theo cách riêng của mình về việc tham gia vào quá trình tố tụng, những mối quan ngại của các em về sự an toàn liên quan đến bị can, cách thức khai báo mà các em muốn và cảm xúc của các em về kết quả của quá trình tố tụng; coi trọng đầy đủ các quan điểm và quan ngại của trẻ em, nếu không thể xem xét các quan điểm, quan ngại đó thì phải giải thích lý do cho trẻ; trẻ em là người bị hại, cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của trẻ em cần được thông báo nhanh, kịp thời trong chừng mực có thể và thích hợp về tiến trình và kết quả vụ án, các cơ hội để đòi bồi thường từ kẻ phạm tội hoặc từ Nhà nước thông qua các thủ tục tố tụng khác.
- Bảo đảm môi trường tòa án sao cho sự tương tác giữa trẻ em và hệ thống tư pháp cần được tiến hành theo cách thức nhạy cảm với trẻ em, trong một môi trường phù hợp với nhu cầu đặc biệt của trẻ em, với khả năng độ tuổi, mức độ trưởng thành và năng lực tham gia của các em. Hiện nay, Tòa án ở nhiều quốc gia trên thế giới đã bố trí phòng xử án nơi trẻ em phải cung cấp lời khai theo những cách sau: bố trí khu chờ riêng biệt tại tòa án để trẻ em và gia đình các em có thể ngồi đợi, cách ly với bị cáo và những người ở phía bị cáo; giảm thiểu thời gian trẻ em phải đợi chờ tại tòa án; tiến hành xét xử trong văn phòng của thẩm phán hoặc một phòng làm việc bình thường chứ không phải phòng xử án chính thức; bố trí các đồ đạc để các bên ngồi ngang bằng nhau xung quanh một cái bàn, trẻ em được ngồi cách xa bị cáo; tất cả các bên đều mặc quần áo bình thường; trước khi bắt đầu thủ tục, thẩm phán tự giới thiệu mình với trẻ và cho phép em được quan sát phòng xử án; cho phép người chưa thành niên ngồi cạnh cha mẹ hoặc luật sư của mình; yêu cầu các bên ngồi chứ không đứng khi tiến hành thẩm vấn; cho phép người chưa thành niên ngồi khi các em nói; không cho phép công chúng vào phòng xử án khi trẻ em đang cung cấp lời khai.
Ngoài các yêu cầu trên, các văn kiện này còn yêu cầu các quốc gia phải đào tạo và chuyên môn hóa những người làm công tác xét xử, người được giao nhiệm vụ làm việc với người chưa thành niên trong quá trình tố tụng.

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Security] Internet blackout scheduled in protest of SOPA