[Tài liệu] Quy định đối với Người chưa thành niên phạm tội


4. XÉT XỬ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI
4.1. Thủ tục tố tụng với người chưa thành niên phạm tội
4.1.1. Xác định luật áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội
VBQPPL
BLTTHS (Chương XXXII)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
  • Khi xác định được người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì thủ tục tố tụng đối với họ phải tuân thủ các quy định tại chương XXXII BLTTHS. Nếu trong chương XXXII BLTTHS có quy định và trong các chương khác cũng có quy định về một vấn đề mà có xung đột nhau, thì áp dụng quy định tại chương XXXII BLTTHS. Nếu trong chương XXXII BLTTHS không có quy định về vấn đề đó, nhưng trong các chương khác của BLTTHS có quy định về vấn đề đó thì được áp dụng quy định trong các chương khác của BLTTHS.
  • Việc áp dụng các quy định của BLTTHS căn cứ vào tuổi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vào thời điểm tiến hành tố tụng. Việc áp dụng các quy định của BLHS căn cứ vào tuổi của người chưa thành niên vào thời điểm thực hiện tội phạm.
4.1.2. Xác định chính xác tuổi của người chưa thành niên thực hiện tội phạm
VBQPPL
BLTTHS (Điều 301)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
  • Phải xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo (khoản 2 Điều 302 BLTTHS). Việc xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo có ý nghĩa hết sức quan trọng, xem người đó đã đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự hay chưa; nếu đã đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì khi phạm tội họ bao nhiêu tuổi và khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử họ đã đủ 18 tuổi hay chưa, để thực hiện đúng các quy định của BLHS đối với họ cũng như áp dụng đúng quy định của BLTTHS đối với người chưa thành niên phạm tội.
  • Cần phải dùng mọi biện pháp để xác định độ tuổi của họ. Thông thường, việc chứng minh độ tuổi của người phạm tội do cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thực hiện; cho nên trong trường hợp tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa có đầy đủ căn cứ để xác định độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội thì trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
  • Trong trường hợp cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã tiến hành mọi biện pháp cần thiết, nhưng không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh thì cần xác định tuổi như sau:
- Nếu chỉ xác định được tháng cụ thể, nhưng không xác định được ngày nào trong tháng đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
- Nếu xác định được quý cụ thể của năm sinh, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của quý đó làm ngày tháng năm sinh của bị can, bị cáo;
- Nếu xác định được nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm hay nửa cuối năm thì lấy ngày 30-6 hoặc 31-12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
- Nếu không xác định được nửa đầu hay nửa cuối năm, quý nào, tháng nào trong năm thì lấy ngày 31-12 của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.
4.1.3. Bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phạm tội
VBQPPL
BLTTHS (các điều 80, 82, 86, 88 120 và 303)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
  • Bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phạm tội phải tuyệt đối tuân thủ quy định tại Điều 303 BLTTHS. Cần xác định đúng độ tuổi. Việc xem xét để kết luận người đó đã đủ 16 tuổi hay chưa được thực hiện như điểm 4.1.2 tiểu mục 4.1 trên đây; cần chú ý:
- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ có thể bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam, nếu họ phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và khi có đầy đủ căn cứ quy định tại Điều 80, 82, 86, 87, 88 120 BLTTHS;
- Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam nếu họ phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
  • Việc bắt, tạm giữ, tạm giam phải được cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam.
4.1.4. Bảo đảm việc bào chữa cho người chưa thành niên phạm tội
VBQPPL
BLTTHS (Điều 305)
Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP(Phần 2)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
  • Kiểm tra bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ có lựa chọn người bào chữa hay không. Nếu họ đã có lựa chọn người bào chữa thì giải thích cho họ biết trong trường hợp này theo quy định tại khoản 2 Điều 305 BLTTHS, Toà án sẽ không yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử người bào chữa cho bị can, bị cáo nữa. Nếu họ vẫn có yêu cầu cử người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc họ không lựa chọn được người bào chữa, thì Toà án yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.
  • Việc yêu cầu người bào chữa; xử lý trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa; thay đổi người bào chữa cần thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Phần II Nghị quyết  số 03/2004/NQ-HĐTP.
  • Giấy chứng nhận người bào chữa phải làm theo đúng mẫu số 03a (Ban hành kèm theo Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP).
4.1.5. Xét xử người chưa thành niên phạm tội
VBQPPL
BLTTHS (các điều 302, 306 và 307)
 Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
- Tại phiên toà xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt đại diện gia đình bị cáo, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên đang học ở trường hoặc đang học tập, sinh hoạt trong một tổ chức nào đó thì phải có đại diện của nhà trường, tổ chức (đoạn 1 khoản 3 Điều 306 BLTTHS);
- Trong trường hợp đại diện của gia đình bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức có tham gia phiên toà thì họ có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, tham gia tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Toà án (đoạn 2 khoản 3 Điều 306 BLTTHS);
- Thành phần HĐXX phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (khoản 1 Điều 307 BLTTHS). Đối với Thẩm phán phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên (khoản 1 Điều 302 BLTTHS). 
4.2. Về đường lối xử lý
VBQPPL
BLHS (các điều 69, 70, 72, 73, 74 và 75)
 Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
  • Phải tuân thủ nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 69 BLHS.
  • Toà án chỉ được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù.
  • Khi áp dụng hình phạt nào cần tuân thủ các điều kiện do BLHS quy định đối với loại hình phạt đó (các điều 72, 7374 BLHS).
  • Khi tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội cần thực hiện đúng quy định tại Điều 75 BLHS.
  • Đối với người chưa thành niên phạm tội, xét thấy không cần thiết áp dụng hình phạt đối với họ, thì Toà án có thể quyết định áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 70 BLHS).
4.3. Quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội
VBQPPL
BLHS (các điều 69, 70, 72, 73, 74 và 75)
Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP (tiểu mục 11.1 mục 11)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
  • Khi quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội thì cần thực hiện như sau:
- Xác định mức hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội như đối với trường hợp người phạm tội là người đã thành niên;
- Trường hợp người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là 3/4 mức hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 11.1 mục 11 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP;
- Trường hợp người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là 1/2 mức hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 11.1 mục 11 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP;
- Ví dụ: A là người chưa thành niên phạm tội “vận chuyển trái phép chất ma tuý” thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 194 của BLHS, có khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù thì trước hết cần xem A là người đã thành niên phạm tội. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được áp dụng Điều 47 của BLHS, nếu A là người đã thành niên thì xét xử A mức hình phạt 12 năm tù là thoả đáng. Vì A là người chưa thành niên, nếu A từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức hình phạt đối với A là 9 năm tù (3/4 của 12 năm tù); nếu A là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức hình phạt đối với A là 6 năm tù (1/2 của 12 năm tù).
  • Khi áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội, cần phân biệt:
- Trường hợp theo cách tính được hướng dẫn tại tiểu mục 11.1 mục 11 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP, mà mức hình phạt tù được xác định đối với người chưa thành niên phạm tội thấp hơn mức tối thiểu của hình phạt tù có thời hạn (ba tháng) thì cần áp dụng loại hình phạt khác nhẹ hơn đối với họ mà không được áp dụng hình phạt tù dưới ba tháng.
- Trường hợp theo cách tính được hướng dẫn tại tiểu mục 11.1 mục 11 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP, mà mức hình phạt tù được xác định đối với người chưa thành niên phạm tội có số dư ngày không tròn tháng thì chỉ nên áp dụng mức hình phạt tù bằng số tròn tháng.
Source: Tòa án nhân dân tối cao

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Security] Internet blackout scheduled in protest of SOPA