Về khách thể của TPMT: TPMT sử dụng máy tính và mạng máy tính như là công cụ để xâm phạm lợi ích của cá nhân, pháp nhân, tổ chức, ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Về mặt khách quan của TPMT: Các hành vi của TPMT rất đa dạng và phức tạp. Các hành vi này cũng phát triển, thay đổi không ngừng cùng với sự phát triển của công nghệ mới. Căn cứ theo luật Hình sự Việt Nam 1999, tuy chưa quy định khái niệm tội danh TPMT nhưng có thể đưa tội phạm này vào 3 nhóm hành vi được quy định tại các Điều 224, 225, 226, 226a, 226b trong BLHS Việt Nam 1999
Hậu quả của hành vi do TPMT gây nên rất khó định lượng. Những thiệt hại trực tiếp của nó có thể nhỏ nhưng hậu quả gián tiếp thì rất lớn. V
Về chủ thể của TPMT: Cũng giống như các tội phạm truyền thống khác, chủ thể của TPMT là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. BLHS năm 1999 quy định công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch từ đủ 16 tuổi trở nên có năng lực trách nhiệm hình sự (người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng – khoản 2, Điều 12, BLHS Việt Nam 1999). Đối với TPMT, chủ thể là những người có hiểu biết nhất đinh về công nghệ máy tính, công nghệ mạng và đã lợi dụng sự hiểu biết này để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chủ thể là những người không hiểu biết đầy đủ về các quy định liên quan đến vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử dẫn đến những thiệt hại.
Chủ thể của TPMT ngày càng “trẻ hóa”. Với sự phát triển của CNTT và các chương trình phần mềm, giới trẻ luôn là thế hệ tiếp cận và nhận biết nhanh nhạy những công nghệ mới cộng với tính cách còn bồng bột, thích thể hiện mình nên rất dễ dẫn đến việc rơi vào con đường phạm tội với những động cơ, mục đích hết sức đơn giản (thử cho biết, thử để xem kết quả, để khẳng định tài năng, thử do lời thách thức…), chẳng hạn tạo ra và phát tán virus, thâm nhập vào các trang thông tin mật quốc gia, quốc tế..v.v.
Về mặt chủ quan của TPMT: Thường được thực hiện do lỗi cố ý. Trong trường hợp tuy hành vi vi phạm chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì vẫn cấu thành tội phạm. Các yếu tố về động cơ, mục đích phạm tội của TPMT thường không phải là dấu hiệu bắt buộc mà yếu tố quan trọng để xác định hành vi có cấu thành tội phạm là hậu quả xảy ra. Động cơ, mục đích của tội phạm máy tính có thể đơn giản nhưng lại có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, với tội phạm này, chúng ta không thể coi động cơ, mục đích là dấu hiệu bắt buộc, chỉ nên coi chúng là những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ có liên quan mà thôi.
Comments
Post a Comment
Để lại góp ý của bạn để blog của mình hoàn thiện hơn :))